Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

NĂM ĐỨC TIN-Tìm hiểu về các Công đồng của Giáo Hội


Tìm hiểu về các Công đồng của Giáo Hội

WGPSG -- Nhân dịp Năm Đức Tin, kỷ niệm 50 năm Công đồng Vaticanô II, chúng tôi xin gửi đến quý độc giả một vài khái niệm về Công đồng và liệt kê 21 Công đồng Chung.
CÁC CÔNG ĐỒNG
I/ Một vài khái niệm về Công đồng
Định Nghĩa
Công đồng là một hội nghị gồm các Giám mục, cùng một số bề trên của các tổ chức tu trì trong Giáo Hội, chính thức nhóm họp bàn luận và quyết định những vấn đề thuộc giáo lý đức tin hay sinh hoạt của Giáo Hội
Phân Loại
Công đồng có nhiều cấp bậc khác nhau, bao gồm trong hai loại tổng quát: Công đồng chung và Công đồng riêng
Công đồng Chung: còn gọi là Công đồng phổ quát. Từ khi có phong trào hợp nhất các Kitô hữu, người ta còn gọi là Công đồng đại kết. Đây là hội nghị các giám mục toàn cầu, với sự có mặt của các bề trên cao cấp trong các tổ chức tu trì, dưới sự chủ tọa đích thân của giám mục Rôma hay qua đặc sứ của ngài(x.GH22). Trước Công đồng chung Vatican II, chỉ có giám mục chính tòa mới có quyền tham dự Công đồng chung. Từ nay mọi giám mục có quyền tham dự Công đồng vì là thành phần của giám mục đoàn(x. GM 4)
Công đồng riêng: là một hội nghị gồm các giám mục của một miền dất nào đó trong Giáo Hội. Người ta phân biệt: Công đồng giáo tỉnh gồm các giám mục trong một miền, một giáo tỉnh dưới quyền chủ tọa của một tổng giám mục hay giám mục trưởng giáo tỉnh. Công đồng liên giáo tỉnh hay đại Công đồng nếu hội nghị, gôm các giám mục của nhiều giáo tỉnh khác nhau dưới quyền chủ tọa sứ thần Tòa Thánh. Ta cũng có thể kể thêm Công đồng toàn quốc, Công đồng toàn miền. Ngoài ra, còn có hội nghị khác của các giám mục gọi la thượng hội đồng, hội nghị hay công nghị giám mục. Công nghị giáo phận (x. GL. Đ. 460) dùng để chỉ phiên họp của vị giám mục giáo phận với hàng giáo sĩ của mình. Còn Thượng Hội đồng giám mục (Synod) là một quy chế được thể hiện sau Công đồng Vatican II. Đây là hội nghị do chính Giáo hoàng Roma triệu tập các giám mục đại diện hay những người được ngài chỉ định để cùng tìm hiểu và giúp ngài về một số vấn đề liên quan đến hoạt động của Giáo Hội trong thế giới
Thẩm quyền của Công đồng chung:
Công đồng chung là cơ quan lập pháp và giáo huấn tối cao của Giáo Hội. Đó chính là giám mục đoàn được quy tụ lại vì Chúa Kitô đã ban quyền cho các tông đồ và những người kế vị các ngài để dạy dỗ và điều khiển Giao Hội
Những nghị quyết của Công đồng chung có một giá trị tối cao đối với toàn thể Giáo Hội. Theo một số điều kiện đã được ấn định trong Giáo Hội, chúng có tính bất khả ngộ, nghĩa là không thể sai lầm. Nghị quyết chia thành hai loại: Nghị quyết về quy luật ấn định những luật lệ, tập quán, nghi lễ…..nghị quyết về giáo lý bàn về những điểm giáo lý gây tranh cải, làm sáng tỏ những điểm giáo lý còn nghi ngờ, xác định những chân lý mặc khải bị lạc giáo chối từ hoặc lên án những điểm sai lạc bằng các phán quyết “tuyệt thông”
Các Công đồng chung trong lịch sử:
Các Công đồng chung đóng vai trò đặc biệt trong lịch sử Giáo Hội vì đã làm chứng và xác định những chân lý mạc khải, ấn định những hình thức thờ phượng và kỷ luật, tạo nên những cuộc biến chuyển và canh tân đời sống Kitô giáo. Nhìn chung các Công đồng biểu lộ những nổ lực của Giáo Hội muốn luôn luôn chuyển biến chính mình để vừa bảo vệ khỏi những khủng hoảng của thời đại, vừa thanh tẩy mình khỏi những khiếm khuyết, vừa phát triển mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần
Trong dòng lịch sử suốt 20 thế kỷ qua, có tất cả 21 công đồng chung: 8 Công đồng chung đầu tiên nhóm họp ở phương Đông, 13 Công đồng sau ở phương Tây. Hầu hết, các giáo hội ly khai Đông Phương chỉ công nhận 7 Công đồng chung đầu tiên. Các Công đồng này, có thể nói, đã xác định phần lớn giáo lý cơ bản của Giáo Hội. Các hoàng đế Đông Phương đã có công tích cực trong việc triệu tập và giúp đỡ Công đồng trong thời gian nhóm họp, dù giá trị của Công đồng hệ tại ở việc chuẩn nhận của vị Giáo hoàng ở Roma
II/ Liệt kê 21 Công đồng Chung
Chúng tôi đã trình bày một số điểm cơ bản của từng Công đồng trong phần Niên biểu Lịch sử Giáo Hội. Sau đây chỉ là bảng liệt kê danh sách ngày tháng và một số chi tiết khác của các Công đồng chung
1. Nieaea I: Năm 325, thành phần tham dự gồm khoảng 300 giám mục Đông Phương, 4 giám mục Tây Phương, 2 linh mục Roma làm đặc sứ của Thánh Giáo hoàng Sylvester I. Hoàng đế Constantinus I triệu tập. Công đồng họp từ tháng 6 và kết thúc vào cuối tháng 8. Công đồng định tính Con Thiên Chúa đồng bản tính với Chúa Cha
2. Contastantinople I: Năm 381. Hoàng đế Theodosius I triệu tập dưới triều Thánh Giáo hoàng Damanus I. Có khoảng 186 giám mục Đông Phương dự. Khóa họp từ tháng 5 đến tháng 7. Công đồng lên án các lạc thuyết Arius và Macedonius, xác nhận và triển khai Kinh Tin Kính Nicaea
3. Ephesus: Năm 431. Hoàng đế Theodosius II triệu tập, dưới triều Thánh Giáo hoàng Celestinus I. Có khoảng 150 – 200 giám mục Đông Phương, 1 giám mục Tây Phương, 3 đặc sứ tham dự với 5 khóa họp từ 22-6 đến 17-7. Công đồng lên án 2 lạc thuyết Nestorius và Pelagius, Công bố Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và xác định sự ngôi hiệp nơi Đức Kitô
4. Chaleedon: Năm 451 Hoàng đế Mareianus triệu tập. Khoảng 600 giám mục Đông Phương, 2 giám mục Phi Châu, 3 đặc sứ của của Thánh Giáo hoàng Leo I tham dự 17 khóa họp từ 8-10 đến 1-11. Công đồng lên án thủ lãnh lạc giáo Eutyches, tuyên bố Đức Ki tô có một ngôi vị với hai bản tính riêng biệt
5. Constantinople II: Năm 553 Hoàng đế Justinianus I triệu tập dưới triều Giáo hoàng Vigilius. Khoảng 150 giám mục Đông Phương, 8 giám mục Phi Châu tham dự 8 khóa họp từ 5-5 đến 2-6. Công đồng lên án”Ba chương” trích từ tác phẩm của các giáo phụ bị cho là theo thuyết Nestorius: T. de Mopsuestus Theodoretus và Ibas
6. Constantinople III: Năm 680-681. Hoàng đế Constantinus IV triệu tập, dưới triều các Thánh Giáo hoàng Agatho và Leo II. Khoảng 165 giám mục Đông Phương, 6 giám mục Tây Phương và 3 sứ thần tham dự. Công đồng họp 16 khóa từ 7-11-680 đến 61-9-681. Công đồng lên án thuyết Nhất ý và dạy rằng Đức Kitô có hai ý chí: ý chí con người và ý chí Thiên Chúa
7. Nicaea II: Năm 787 Nữ hoàng Irene triệu tập dưới triều Giáo hoàng Adrianus I. Có khoảng 300 giám mục Đông Phương, 2 sứ thần tham dự 8 khóa họp từ 24-9 đến 23-10. Công đồng lên án Phá Hủy Ảnh Thánh, xác định có thể tôn kính ảnh thánh mà không bị coi là ngẫu tượng
8. Constantinople IV: Theo Công giáo. Công đồng nhóm họp năm 870, do Hoàng đế Basilius I triệu tập, dưới triều Giáo hoàng Adrianus II. Có khoảng 120 giám mục Đông Phương và 3 đặc sứ tham dự 6 khóa họp từ 5-10-869 đến 8-2-870. Công đồng lên án phái Phá Hủy Ảnh Thánh và truất quyền Thượng phụ Giáo chủ Photius, Nhưng Giáo hội ly khai Đông Phương chỉ công nhận Công đồng năm 880 đồng thời hủy bỏ hết Công đồng năm 870
9. Lateran I: (Lateranus), năm 1123 do Giáo hoàng Callixtus II triệu tập. Khoảng 300 giám mục và 700 đại biểu khác tham dự các khóa họp từ 8-3 đến 6-4. Công đồng phê chuẩn thỏa ước Worms và một số điều canh tan Giáo hội
10. Lateran II: Năm 1139 Giáo hoàng Innocens II triệu tập. Có khoảng 1000 tham dự viên họp trong tháng 4 để lên án việc ly giáo của Anacletus
11. Lateran III: Năm 1179 Giáo hoàng Alexander III triệu tập. Khoảng 300 giám mục và 400 giáo sĩ tham dự 3 khóa họp diễn ra từ ngày 5 đến 19-3 để lên án bè rối Albigenses. Công đồng quy định cách chọn giáo hoàng
12. Lateran IV: Năm 1215. Giáo hoang Innocens III triệu tập. Có 412 giám mục và 388 giáo sĩ tham dự, các khóa họp từ 11 đến 30-11. Công đồng quy định việc xưng tội mỗi năm và rước lễ mùa Phục Sinh. Lần đầu tiên. Công đồng nói đến từ “chuyển bản thể” trong Bí tích Thánh Thể
13. Lyon I: Năm 1245. Giao hoàng Innocens IV triệu tập. Khoảng 150 giám mục và nhiều giáo sĩ tham dự 3 khóa họp từ 28-6 đến 17-7 để lên án hoàng đế Frederick. II
14. Lyon.II: Năm 1247. Giáo hoàng Gregorius X triệu tập. Khoảng 500 giám mục và 570 giáo sĩ (có Thánh Thomas và Bonaventura), hoàng đế Đông Phương M. Paleologus cũng tham dự. Gồm 6 khóa họp từ 7-5 đến 17-7. Công đồng bàn về sự hợp nhất giữa Giáo hội Đông Phương và Tây Phương
15. Vienne: Năm 1311-1312. Giáo hoàng Clemens V triệu tập. Khoảng 132 giám mục với nhiều giáo sĩ tham dự 3 khóa họp từ 16-10-1311 đến 6-5-1312. Công đồng giải tán dòng Hiệp Sĩ Đền Thờ, lên án quan niệm sai lạc của tu sĩ. Beguard và Beguin
16. Constance (Konstanz): Năm 1414-1418. Hoàng đế Segismundo triệu tập dưới triều Giáo hoàng Gregoritus XII và Matinus V. Khoảng 200 giam mục, nhiều giáo sĩ và chuyên viên tham dự 45 khóa họp, từ 5-11-1414 đến 22-4-1418. Công đồng bãi nhiệm ba giáo hoàng đang tranh chấp nhau, chấm dứt tình trạng ly khai ở Tây Phương, lên án J. Wycliff, JanHus và chọn Giáo hoàng Matinus V
17. Florence (Firenze): Năm 1438-1455. Giáo hoàng Eugenius IV triệu tập. Lần đầu họp ở Basel, sau dời về Ferrara, rồi về Florence. Khoảng 30 giám mục Đông Phương tham dự. Công đồng đã đưa ra nhiều phương thức hợp nhất Giáo Hội
18. Lateran V: Năm 1512-1517. Giáo hoàng Julius II và Leo X triệu tập. Có 115 giám mục Tây Phương tham dự 12 khóa họp, từ 3-5-1512 đến 6-3-1517. Công đồng xác định quyền bính giáo hoàng và quyền bính Công đồng, lên án những người theo thuyết Tân Aristole
19. Trent (Trento): Năm 1545-1563. Giáo hoàng Paulus III. Julius III, Pius IV triệu tập. Lúc khai mạc có 70 giám mục, lúc kết thúc có 252 giám mục và nhiều giáo sĩ tham dự trong 25 khóa họp từ 13-12-1545 đến 4-12-1563. Công đồng xác định một số điểm đức tin và giáo lý liên quan đến Phong trào Cải Cách, canh tân Giáo Hội về nhiều điều thực tế.
20. Vatican ( Vaticano I): Năm 1869-1870. Giáo hoàng Pius IX triệu tập. Có 747 giám mục tham dự và nhiều giao sĩ trong 4 khóa từ 8-12-1869 đến 1-7-1870. Công đồng lên án thuyết duy lý và tuyên bố tính bất khả ngộ của giáo hoàng
21. Vatican II: Năm 1962-1965. Giáo hoàng Joannes XXIII và Paulus VI triệu tập. Có tất cả 2.860 nghị phụ tham dự. Số nghị phụ ở mỗi khóa thay đổi từ 2.150-2.500. Có 10 khóa trong 4 kỳ họp. Công đồng đã soạn thảo và công bố 4 hiến chế, 9 sắc lệnh, và 3 tuyên ngôn nhằm đổi mới toàn diện đời sống Giáo hội Công giáo và hướng tới sự hợp nhất Kitô giáo.
*Bài này trong quyển “ Giáo hội Công Giáo Việt Nam niên giám 2004 của Văn phòng Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Nhà xuất bản Tôn giáo Hà Nội xuất bản năm 2004 từ trang 90 đến trang 93

NĂM ĐỨC TIN-Vài nét khái quát về Công đồng chung Vatican II


Vài nét khái quát về Công đồng chung Vatican II

WGPSG -- Nhân dịp Năm Đức Tin, kỷ niệm 50 năm Công đồng Vaticanô II, chúng tôi xin gửi đến quý độc giả một vài nét khái quát về Công đồng chung Vatican II.
III. VÀI NÉT KHÁI QUÁT VỀ CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II

Vatican II vẫn còn cần thiết
Công đồng Vatican II đã kết thúc cách đây 38 năm. Gần đây, một số người có khuynh hướng tự do trong Giáo Hội đang nói đến một công đồng chung mới. Công đồng này sẽ thực hiện việc đổi mới triệt để mà Công đồng Vatican II đã khởi xướng, để đạt được sự hợp nhất trọn vẹn mà Vatican II mới thu được một vài kết quả bước đầu và sẽ giải quyết một số vấn đề mới mẻ của Giáo Hội trong thế giới hôm nay. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ngỏ lời trong một hội nghị ở Vatican vào ngày 27-2-2000 rằng: “Công đồng Vatican II đã cho chúng ta nhiều phần thưởng quý hoá từ 35 năm qua và còn tiếp tục dẫn đưa chúng ta trong nhiều năm kế tiếp. Công việc của Giáo Hội bây giờ là học hỏi những điều đã đề ra trong các văn bản của Công đồng và đem ra thực hành cho có hiệu quả...”.
Giáo hội tại Việt Nam, trong thời gian trước đây, từ năm 1965 đến 1975, do hoàn cảnh chiến tranh của đất nước, chưa có dịp học hỏi kỹ lưỡng các văn kiện của Công đồng, trừ một vài giáo phận ở miền Nam Việt Nam. Chỉ trong các thành phố và đô thị lớn, giáo dân mới có dịp học hỏi về Công đồng này ít nhiều, còn lại hầu như chẳng mấy khi nghe nói đến, nhất là ở miền Bắc Việt Nam. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, dân tộc ta lại gặp nhiều khó khăn, vì thế các bài học đổi mới, hợp nhất của Công đồng hầu như ít được nhắc đến như những định hướng cơ bản cho Giáo hội tại Việt Nam.
Do đó, chúng ta cần phải cố gắng nhiều hơn để tìm hiểu nghiêm túc về Công đồng qua những văn kiện nền tảng. Trong phạm vi cuốn Niên Giám * này, chúng tôi chỉ có thể gợi ra vài nét đặc biệt và tóm tắt ít dòng về các kỳ họp của Công đồng Vatican II.
Những lý do triệu tập Công đồng
Công đồng Vatican II là sáng kiến độc đáo của Đức Gioan XXIII do một ơn linh hứng đặc biệt, khi ngài tham dự lễ bế mạc Tuần lễ Hợp nhất Kitô hữu vào ngày 25-1-1959, tại đền Thánh Phaolô Ngoại Thành. Với tên gọi Vatican II, Công đồng thật sự muốn tiếp tục những vấn đề còn đang bàn luận dang dở của Công đồng Vatican I, vì Công đồng này phải kết thúc đột ngột vào năm 1870, khi giáo phận Roma bị sáp nhập vào vương quốc Ý.
Sáng kiến của Đức Gioan XXIII không nằm trong chiều hướng nghiên cứu các vấn đề hay lên án các giáo thuyết sai lạc như hầu hết các công đồng trong quá khứ, nhưng từ những nhu cầu thực tế và cấp bách của Giáo Hội trong thế giới đương thời, vì Giáo Hội lúc đó đang phải đối phó với những thách đố vô cùng khó khăn.
Thật vậy, thế giới đổi thay quá nhanh kể từ Vatican I. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật cuốn hút loài người vào một viễn ảnh vật chất vô cùng tươi sáng nhưng cũng đầy những âu lo, khắc khoải với thảm hoạ chiến tranh nguyên tử, với cuộc đối đầu giữa thế giới tư bản và cộng sản, với nền văn minh hưởng thụ... Tôn giáo dường như chưa giải đáp được những vấn nạn của con người.
Trong nội bộ Giáo Hội, những xung đột, chia rẽ không ngừng xảy ra giữa các xứ Kitô giáo lâu đời. Công cuộc truyền giáo không còn đạt được những kết quả lớn lao vì chính Kitô hữu dường như an thân và thoả mãn với đời sống đạo thụ động của mình. Do đó, cần một công đồng để thực hiện cuộc đổi mới sâu xa trên toàn thể đời sống Giáo Hội, đem lại giá trị thật sự cho tư tưởng con người cũng như cho đời sống nhân loại, trong tinh thần tìm về nguồn và vâng theo Chúa Thánh Thần (x. Diễn văn khai mạc giai đoạn chuẩn bị Công đồng, AAS 59 (1960) 1004-1014).
Công cuộc chuẩn bị
Công đồng được chuẩn bị trong thời gian hơn 3 năm, từ 7-1959 đến 11-1962. Tất cả các tham dự viên đều được hỏi ý kiến, các đại học Công giáo được thăm dò về các vấn đề có thể đưa ra ở Công đồng với 2.109 bản trả lời, gồm 8.972 đề nghị. 12 Uỷ ban dự bị và 3 văn phòng làm việc không ngừng trong suốt một năm và góp về Uỷ ban Trung ương, do chính Đức Giáo hoàng làm Chủ tịch, 70 lược đồ lớn, được in thành 19 cuốn sách, gồm 2.060 trang.
Kỳ họp đầu tiên (từ 11-10 đến 8-12-1962: khoá I).
Có tất cả 2.904 nghị phụ được mời tham dự. Trừ các vị già yếu, bệnh tật và các vị ở một số nước không được phép đi, 2.449 vị có mặt, đại diện cho 134 nước trên thế giới.
Các nghị phụ bầu ra 10 Uỷ ban Công đồng từ 12 Uỷ ban dự bị trước đây có các vị hồng y trong giai đoạn chuẩn bị làm chủ tịch. Cộng thêm Hội đồng Chủ tịch Điều hành và 3 Văn phòng. Ngôn ngữ chính thức là tiếng La Tinh. Ai muốn phát biểu cần ghi danh trước ở Hội đồng Chủ tịch và nộp một bản viết. Thời gian phát biểu không quá 10 phút. Các nghị phụ phải có mặt trong các phiên họp chung hay khoáng đại. Các biểu quyết bằng phiếu được kiểm soát bằng thiết bị điện tử. Phải có 2/3 số phiếu thì các quyết định của Công đồng mới có giá trị.
Trong kỳ họp này, các nghị phụ làm việc theo 7 lược đồ đề nghị. Ngày 4-11 lược đồ đầu tiên về Phụng Vụ được chấp thuận với 2.162 phiếu thuận, 46 phiếu chống. Các lược đồ khác như: về nguồn mạc khải, về phương tiện truyền thông xã hội, về sự hợp nhất các Kitô hữu, về Giáo Hội được bàn luận. Cuối kỳ họp, số lược đồ tăng tới 73 và Đức Thánh Cha quyết định rút lại còn 20 lược đồ tập trung. Các nghị phụ có 9 tháng để đúc kết các lược đồ và soạn thảo công việc cho kỳ họp tới. Cũng trong thời gian này, Đức Gioan XXIII qua đời. Đức Hồng y Montini lên thay, lấy danh hiệu là Phaolô VI.
Kỳ họp thứ 2 (từ ngày 29-9 đến 4-12-1963: khoá II và III)
Đức Thánh Cha Phaolô VI đổi mới và cụ thể hoá chương trình làm việc của Công đồng. Trong kỳ họp này, các nghị phụ tập trung cho lược đồ về Giáo Hội, giám mục, giáo dân, sự hợp nhất, nhiều điểm vẫn chưa giải quyết. Ngày 4-12-1963, Đức Phaolô VI công bố “Hiến chế về Phụng vụ (PV) thánh” Sacrosanctum Concilium (Thánh Công đồng Chung) và sắc lệnh về các Phương tiện Truyền thông Xã hội Inter mirifica (Giữa những sự kỳ diệu).
Trong thời gian nghỉ họp, các nghị phụ bắt đầu thực hiện chương trình “Dopfner” nghĩa là bố cục lại tất cả các lược đồ theo một trục chính là Giáo Hội. Các nhà thần học trong các uỷ ban giúp đỡ rất nhiều cho Công đồng.
Kỳ họp thứ ba (từ ngày 14-9 đến 21-11-1964: khoá IV và V)
Nhờ cải tiến cách phát biểu trong các phiên họp, công việc tiến hành nhanh hơn. Các nghị phụ bàn luận tiếp lược đồ Giáo Hội về tính cách cánh chung và vai trò của Đức Trinh Nữ Maria, về nhiệm vụ mục vụ của giám mục, về tự do tôn giáo, về mạc khải, về tông đồ giáo dân, về linh mục, về các Giáo hội Công giáo Đông Phương, về giáo dục Kitô giáo, và nhất là về lược đồ 13, lược đồ sau này trở thành Hiến chế Mục vụ (MV) về Giáo Hội trong thế giới ngày nay.
Trong buổi lễ bế mạc ngày 21-11-1964, Đức Phaolô VI đã công bố 3 văn kiện: Hiến chế Tín lý về Giáo Hội (GH) Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), Sắc lệnh về các Giáo hội Công giáo Đông Phương (ĐP) Orientalium Ecclesiarum (các Giáo hội Đông Phương) và Sắc lệnh về Hợp nhất (HN) Unitatis redintegratio (Tái lập sự hợp nhất). Ngài chính thức tuyên bố Đức Maria là Mẹ Giáo Hội và loan báo kỳ họp tới sẽ kết thúc Công đồng.
Kỳ họp thứ tư (từ ngày 14-9 đến 8-12-1965: khoá VI-X)
Trong bài diễn văn khai mạc kỳ họp, Đức Phaolô VI loan báo quyết định thành lập Thượng Hội đồng Giám mục. Đây là một bước tiến đáng kể trong việc canh tân Giáo Hội. Các nghị phụ bàn nhiều đến lược đồ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay và các lược đồ đang còn dang dở cần được tu chỉnh. Ngày 4 đến 5-10-1965, Đức Thánh Cha công du và đọc diễn văn tại Hội đồng Liên Hợp Quốc.
Ngày 28-10-1965, Đức Phaolô VI chính thức công bố 5 văn kiện đã được các nghị phụ chấp thuận:
  • Sắc lệnh về nhiệm vụ Giám mục (GM) Dominus Christus (Chúa Kitô).
  • Sắc lệnh về việc canh tân thích nghi đời sống dòng tu (DT) Perfectae Caritatis (Đức ái hoàn hảo).
  • Sắc lệnh về Đào tạo Linh mục (ĐT) Optatam totius
  • Tuyên ngôn về Giáo dục (GD) Kitô giáo Gravissimum educationis (Vai trò rất quan trọng của giáo dục).
  • Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo (NK), Nostra Aetate (Thời đại chúng ta)
Ngày 8-11-1965, Đức Phaolô VI công bố hai văn kiện mới:
  • Hiến chế Tín lý về Mạc khải (MK) của Thiên Chúa Dei Verbum (Lời Thiên Chúa).
  • Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân (TĐ) Apostolicam Actuositatem (Hoạt động tông đồ).
Ngày 7-12-1965, trong khoá họp IX, Đức Phaolô VI công bố 4 văn kiện cuối cùng là những văn kiện đã phải nhiều lần tranh cãi, sửa đổi, bổ sung:
  • Tuyên ngôn về Tự do (TD) Tôn giáo Dignitatis Humanae (Phẩm giá con người).
  • Sắc lệnh về Hoạt động Truyền giáo (TG) của Giáo Hội Ad Gentes (Đến với muôn dân).
  • Sắc lệnh về Chức vụ và Đời sống Linh mục (LM) Presbyterorum Ordinis (Chức vụ Linh mục).
  • Hiến chế Mục vụ (MV) về Giáo Hội trong thế giới ngày nay Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng).
Trong khoá họp này, có một số sự kiện mang ý nghĩa đại kết đáng ghi nhớ. Ngày 4-12, Đức Thánh Cha họp với các quan sát viên ngoài Công giáo tại đền thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành và cùng dự chung một nghi lễ cầu nguyện cho sự hợp nhất. Ngày 7-12-1965, Đức Phaolô VI ở Roma và Đức Thượng Phụ Athenagoras ở Istambul đã cùng một lúc xoá bỏ án tuyệt thông lẫn nhau, chấm dứt cuộc ly khai từ năm 1054. Đây là một trong những sự kiện nói lên thành quả tốt đẹp và giá trị nhất của Công đồng. Bộ Thánh vụ được đổi tên thành Bộ Giáo lý Đức tin.
Khoá X ngày 8-12-1965, Công đồng đã tổ chức nghi thức bế mạc long trọng tại quảng trường Thánh Phêrô. Công đồng gửi sứ điệp bế mạc đến nhiều thành phần nhân loại trên toàn thế giới.
Về bản dịch Việt ngữ các văn kiện Công đồng Vatican II, đã có bản dịch của Senatus Sài Gòn, in năm 1966 và bản dịch của Phân khoa Thần học Giáo hoàng Học viện Thánh Pius X, Đà Lạt, năm 1972, tái bản năm 1974. Năm 1975, Phân khoa Thần học hoàn thành trọn vẹn bản dịch với nhiều điểm sửa đổi và bổ sung thêm phần các sứ điệp Công đồng và Mục lục phân tích chủ đề gồm 500 trang. Năm 1980, bản dịch hoàn chỉnh này đã được xuất bản tại Hoa Kỳ.
___________________________________Ghi chú: * Giáo hội Công Giáo Việt Nam niên giám 2004 - VP Tổng thư ký HĐGMVN. (NXB. Tôn giáo - Hà Nội, xuất bản năm 2004.)Nguồn tài liệu:- Phân khoa Thần học Giáo hoàng Học viện Thánh Pius X, Thánh Công đồng Chung Vatican II, Đà Lạt, 1972, tr. 1-56.
- Mathew Bunson, 2003 Catholic Almanac, NXB. Our Sunday Visitor, Inc. Huntington, Indiana 2002, tr. 236-237.

Tìm hiểu Sách Giaó Lý Hội Thánh Công Giaó Bài 9. Tôi tin vào Thiên Chúa


Tìm hiểu Sách Giaó Lý Hội Thánh Công Giaó

Bài 9. Tôi tin vào Thiên Chúa

TÌM HIỂU SÁCH GL HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
Bài 9. TÔI TIN VÀO THIÊN CHÚA
Lời tuyên xưng đức tin của chúng ta bắt đầu bằng câu “Tôi tin kính Đức Chúa Trời”. Đó là nền tảng cho tất cả những gì theo sau và cách nào đó chứa đựng toàn bộ tín biểu (GLHTCG số 199). Tất cả những gì được nói đến trong kinh Tin Kính đều tùy thuộc niềm tin vào Thiên Chúa. Do đó, thư Do Thái viết: “Không có đức tin thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa, vì ai đến gần Thiên Chúa thì phải tin là có Thiên Chúa và tin Người là Đấng ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người” (Dt 11,6).
Rudolf Bulmann, thần học gia Tin Lành, đưa ra một nhận xét: “Thiên Chúa là thực tại quyết định tất cả”. Nếu Thiên Chúa hiện hữu, thì chỉ có mình Ngài là Đấng duy nhất và là tất cả của chúng ta. Tất cả sự hiện hữu của chúng ta, tất cả những gì chúng ta có đều đến từ nơi Ngài và ở trong tay Ngài. Trái lại, điều mà nhân vật Ivan Karamazov trong tác phẩm Anh em nhà Karamazov của đại văn hào Nga Dostoyevsky diễn tả rất chính xác: “Nếu Thiên Chúa không hiện hữu, mọi cái đều được phép”; và chúng ta có thể thêm: “Mọi cái đều vô nghĩa”.
Khi còn nhỏ, Thánh Tôma Aquinô đã đặt câu hỏi: “Thiên Chúa là ai?” Suốt cuộc đời của thánh nhân, câu hỏi đó luôn xâm chiếm tâm trí ngài. Là một nhà thần học vĩ đại của Hội Thánh, ngài nói về Thiên Chúa, và đàng sau những ngôn từ sắc bén khi luận bàn về Thiên Chúa, Thánh Tôma luôn ý thức về một sự tôn kính sâu xa đối với Thiên Chúa. Trong Thánh Kinh, sự tôn kính như thế được gọi là “kính sợ Thiên Chúa” và được nhìn như khởi đầu cho sự khôn ngoan. Tôn kính trước sự vĩ đại và thánh thiện của Thiên Chúa là một phản ứng tự nhiên của những ai đối diện với mầu nhiệm của Thiên Chúa bằng trái tim rộng mở.
Thế nên Môsê đã bỏ dép ra và che mặt lại khi ông nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong bụi gai bốc cháy. Isaia cũng có thái độ tương tự khi Thiên Chúa gọi ông làm ngôn sứ. Trước sự vĩ đại uy nghi của Thiên Chúa, Isaia đã thốt lên: “Khốn thân tôi, tôi chết mất, vì tôi là một người môi miệng ô uế” (Is 6,5). Thánh Phêrô cũng vậy, khi ngài chứng kiến mẻ cá lạ: “Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). Trước sự hiện diện cuốn hút và huyền nhiệm của Thiên Chúa, con người nhận ra sự nhỏ bé của mình (số 208).
Tuy nhiên, “nỗi sợ thánh thiện” này được lấp đầy bởi chính tình yêu bao la của Thiên Chúa. Trong bụi gai bốc cháy, Thiên Chúa mạc khải danh Ngài cho Môsê: “Ta là Đấng Ta là” (Xh 3,14). Ngài hứa với Môsê: “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3,12). Ngài mặc khải cho ông biết: “Ngài là Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu ân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6). Sự vĩ đại và gần gũi của Thiên Chúa gắn kết với sự thánh thiện và giàu lòng thương xót của Ngài (số 210).
Mọi sự trên trần gian này đều đổi thay, không ngừng đến rồi đi. Lòng người cũng thế, tâm hồn chúng ta thường xuyên thiếu trung thành, như chúng ta đã học được qua những kinh nghiệm đau thương. Trong đức tin, chúng ta được nâng đỡ vì biết rằng Thiên Chúa là Đấng luôn luôn kiên vững. Như tác giả thánh vịnh đã thốt lên trong tâm tình cầu nguyện: “Xưa Chúa đã đặt nền trái đất, chính tay Ngài tạo tác vòm trời. Chúng tiêu tan, Chúa còn hoài, chúng như áo cũ thảy rồi mòn hao. Ngài thay chúng khác nào thay áo. Nhưng chính Ngài tiền hậu y nguyên” (Tv 102, 26-28). Thiên Chúa là “Đấng Hiện Hữu” từ muôn thuở đến muôn muôn đời, Ngài là Đấng luôn trung tín với chính mình Ngài và với các lời hứa của Ngài (số 212). Ngài không thể lừa dối vì Ngài là chân lý, Ngài không làm ai thất vọng vì Ngài là tình yêu.
Thánh Têrêsa Avila đã diễn tả ý này cách tuyệt vời trong tác phẩm của ngài và được trích lại trong sách GLHTCG:
“Đừng để điều gì làm cho bạn xao xuyến;
Đừng để điều gì làm cho bạn lo sợ.
Mọi sự đều qua đi, Thiên Chúa không thay đổi!
Kiên nhẫn sẽ được tất cả.
Ai có Thiên Chúa, người ấy chẳng thiếu gì:
chỉ có Thiên Chúa, là đã đủ”.
ĐHY Christoph Schönborn

Tìm hiểu Sách Giaó Lý Hội Thánh Công Giaó Bài 8... Xin nhìn đến Đức tin của Hội Thánh Chúa


Tìm hiểu Sách Giaó Lý Hội Thánh Công Giaó

Bài 8... Xin nhìn đến Đức tin của Hội Thánh Chúa

TÌM HIỂU SÁCH GL HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
Bài 8. “ … XIN NHÌN ĐẾN ĐỨC TIN CỦA HỘI THÁNH CHÚA”
Trong phụng vụ thánh lễ, sau kinh Lạy Cha, chúng ta cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin đừng chấp tội chúng con, nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa”. Lời cầu nguyện làm cho chúng ta ngạc nhiên: “Đức tin của Hội Thánh”. Chúng ta thường hiểu “đức tin của Hội Thánh” là cấu trúc giáo lý, toàn bộ những điều Hội Thánh dạy. Tuy nhiên, ở đây muốn diễn tả một điều gì khác: chính Hội Thánh được hiểu như là một người tin. Cũng giống như khi chúng ta phân biệt giữa hai cụm từ “tội của chúng ta” và “chúng ta là những tội nhân”. Hội Thánh này là ai mà chúng ta nài xin Chúa hãy nhìn vào đức tin của Hội Thánh?
Chúng ta có thể đặt câu hỏi trong hình thức khác: khi chúng ta thực hiện lời tuyên xưng đức tin trong thánh lễ, tất cả chúng ta nói cùng lúc “tôi tin…” Ở đây mỗi người nói cho chính mình cách cá nhân, bởi vì tin là một hành động mang tính cá vị. Tuy nhiên, điều chúng ta diễn tả trong kinh Tin Kính không phải là những ý nghĩ cá nhân của tôi, nhưng là điều mà tất cả chúng ta chia sẻ trong đức tin. Chúng ta cũng có thể nói: “Chúng tôi tin…” như trong bản văn Hy Lạp về lời tuyên xưng đức tin trọng thể. Nhưng, chủ từ “chúng tôi” ở đây không đơn giản là tổng số những khái niệm niềm tin của mỗi người, thí dụ: một tổ chức nào đó đạt được sự đồng thuận dựa trên một số nguyên tắc chung của mỗi thành viên đưa ra và gọi là “những nguyên tắc” của chúng tôi. Trái lại, khi nói “chúng tôi tin” điều Hội Thánh tin, nghĩa là tin những điều mà Hội Thánh tiếp nhận từ nơi Chúa và là Thày – Đức Giêsu Kitô – chính vì vậy mà Hội Thánh gắn bó những điều tin một cách trung thành và quý trọng.
Vì thế, mệnh đề “tôi tin” trước hết quy chiếu về cái “Tôi” của Hội Thánh. Xét như một cá nhân, tôi chỉ có thể nối kết vào mệnh đề “tôi tin…” khi ở trong sự hiệp thông của Hội Thánh. Niềm tin của tôi được nâng đỡ bởi niềm tin của nhiều người, những người đã tin trước tôi và đã chuyển giao đức tin đó. Đức tin không phải là một hành vi đơn độc, không ai có thể tin một mình, cũng như không ai có thể sống một mình (số 166). Cũng vậy, tôi không làm ra sự sống của tôi nhưng tôi tiếp nhận sự sống; tôi cũng không phát minh ra đức tin nhưng tôi đón nhận. Tôi tiếp nhận đức tin từ Hội Thánh, cũng như tôi tiếp nhận sự sống từ cha mẹ tôi. Trong phụng vụ bí Tích Thánh Tẩy, chủ sự hỏi: “Anh (chị) xin gì cùng Hội Thánh Chúa?” Trả lời: “xin đức tin”; chủ sự hỏi tiếp: “Đức tin sinh ơn ích gì cho anh (chị)?” Trả lời: “đức tin đem lại sự sống đời đời” (số 168).
Không có một đức tin chung nếu không có một ngôn ngữ đức tin chung. Tuy chúng ta không tin vào các ‘công thức’, nhưng chúng ta diễn tả điều chúng ta tin qua những từ ngữ và những mệnh đề mà chúng ta chia sẻ chung với nhau, đó là điều cần thiết với chúng ta để nói về điều chúng ta tin. Do đó, cần phải có một ngôn ngữ đức tin chung, gắn kết chúng ta, cũng như sự ràng buộc của ngôn ngữ là điều cần thiết đối với xã hội loài người (số 170).
Phụng vụ của Hội Thánh sẽ như thế nào nếu như không có một gia sản ngôn ngữ tôn giáo chung? Và đức tin có thể được loan báo và chuyển giao như thế nào được nếu như mỗi người chúng ta có một sân chơi ngôn ngữ riêng? Ngôn ngữ tôn giáo cũng là ký ức sống động của các thực tại tôn giáo. Điều cốt lõi qua ngôn ngữ tôn giáo là đưa về Đức Giêsu Kitô, Đấng nói với chúng ta qua lời của Ngài về Nước Thiên Chúa (số 543). Hội Thánh gìn giữ ký ức này. “Như người mẹ dạy con mình nói, hiểu, và thông truyền, Hội Thánh Mẹ chúng ta dạy chúng ta ngôn ngữ đức tin để giới thiệu cho chúng ta, để chúng ta hiểu và sống đức tin” (số 171).
ĐHY Christoph Schönborn

Tìm hiểu Sách Giaó Lý Hội Thánh Công Giaó Bài 7. Đức tin - con người đáp lời Thiên Chúa


Tìm hiểu Sách Giaó Lý Hội Thánh Công Giaó 

 Bài 7. Đức tin - con người đáp lời Thiên Chúa

TÌM HIỂU SÁCH GL HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
Bài 7. ĐỨC TIN – CON NGƯỜI ĐÁP LỜI THIÊN CHÚA
Thiên Chúa yêu chúng ta trước. Trước khi chúng ta hiện hữu, Ngài đã chọn chúng ta đi vào trong cuộc đời này để sống, để biết và yêu mến Ngài. Trước khi chúng ta nhận biết Thiên Chúa, Ngài đã tỏ lộ chính Ngài để chúng ta nhận biết. Trước khi chúng ta đáp lời Thiên Chúa, Ngài đã gọi chúng ta. Ngài đã tiến đến với chúng ta và lên tiếng gọi. Đáp lại cách xứng hợp lời mời gọi ấy chính là đức tin (GLHTCG số 142).
Đức tin phải được thực hiện với sự vâng phục, nghĩa là vừa phải lắng nghe vừa đi vào trong tương quan với Thiên Chúa, Đấng nói với chúng ta. Abraham là mẫu gương cho sự vâng phục của đức tin (số 145). Thiên Chúa gọi Abraham và ông đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp. Thánh Kinh ghi lại ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu nhưng ông biết chắc ông gắn bó cuộc đời với Ai (Do Thái 11,8). Đó là đức tin. Sự vĩ đại của thái độ này chính là sự tin tưởng không điều kiện vào Đấng mà Abraham vâng phục cách chân thành. Như Abraham và ngay cả còn hơn ông nữa, Đức Trinh nữ Maria đã tin vào Thiên Chúa. Đức Maria đã tin tưởng hoàn toàn rằng không có gì mà Thiên Chúa không làm được (Lc 1,37). Đức Maria đã trao trọn vẹn cuộc đời mình cho thánh ý của Thiên Chúa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (số 148).
Bằng đức tin, con người đem trí khôn và ý chí của mình quy phục Thiên Chúa cách trọn vẹn (số 143), sự quy phục này diễn tả sự tôn thờ và làm vinh danh Thiên Chúa. Bất cứ ai tin Thiên Chúa cũng nhìn nhận sự vĩ đại, quyền năng vô hạn và tình yêu của Thiên Chúa, và quy phục Thiên Chúa. Khi Chúa Giêsu gặp những ai có niềm tin hoàn toàn và trọn vẹn vào Người, Người đầy niềm vui. Một người có niềm tin thực sự vào Thiên Chúa là một người vĩ đại vì người đó tin rằng Thiên Chúa có thể làm mọi sự vĩ đại.
Con người chỉ có thể dành sự quy phục trọn vẹn tín thác này cho một mình Thiên Chúa mà thôi (số 150). Cho nên đức tin Kitô giáo khác với việc tin vào một người phàm, bởi vì không có ai, ngay cả những người được quý trọng nhất, có thể đòi hỏi sự gắn bó của chúng ta với người đó một cách tuyệt đối như tin vào Thiên Chúa. Ngược lại, chúng ta cũng thật hoang tưởng nếu mình đòi hỏi bất cứ ai sống trong cuộc đời này có thể thỏa mãn khát vọng sâu xa nhất của mình như chúng ta cậy trông vào Thiên Chúa. Kể cả với Hội Thánh cũng vậy. Sách Giáo Lý Hội Thánh công Giáo trình bày: “Trong tín biểu của các tông đồ, chúng ta tuyên xưng ‘chúng ta tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền (tin có Hội Thánh) chứ không phải ‘tin kính’ Hội Thánh”, để chúng ta không lẫn lộn Thiên Chúa với các công trình của Ngài, và để chúng ta quy một cách rõ ràng về lòng nhân hậu của Thiên Chúa tất cả mọi hồng ân mà Ngài đã ban cho Hội Thánh của Ngài (duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền) (số750).
Chúng ta không tin vào một ai đó nhưng là tin vào Thiên Chúa, là Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần (số 178). Tuy nhiên, tin kính Thiên Chúa như thế cũng là chấp thuận trong đức tin những điều Thiên Chúa đã mạc khải và ban cho chúng ta. Ở tự nó, có thể tin như thế đã là một hồng ân, nên chúng ta nói rằng đức tin là một quà tặng. Đức tin là một hồng ân của Thiên Chúa, là một nhân đức siêu nhiên do Thiên Chúa ban (số 153). Là một quà tặng nhưng không của Thiên Chúa, tuy nhiên chúng ta cũng mang trách nhiệm, cũng như một khả năng chúng ta có, cần phải được sử dụng mới sinh ích lợi. Cũng vậy đức tin của chúng ta phải lớn lên, trưởng thành và sinh hoa trái. Đức tin sẽ bị “mục nát” nếu cuộc sống chúng ta không thực sự được sống từ bên trong tâm hồn; đức tin sẽ bị héo khô nếu không thường xuyên được trợ giúp bằng cầu nguyện. Đức tin sẽ đạt được sức mạnh qua những thử thách; bám rễ sâu qua những kiên nhẫn và trung thành làm những điều thiện hảo; qua tình yêu đức tin chín mọng, qua hy vọng đức tin trở nên kiên định, ngay cả trong những thời khắc tăm tối và đau khổ (số 162).
Đức tin còn hơn là một kinh nghiệm. Thường xuyên có những giai đoạn chúng ta đi như người đi trong khu rừng rậm, thỉnh thoảng đón nhận ánh sáng từ những tia chớp chợt lóe sáng trên bầu trời. Điều này không phải là trở ngại đối với đức tin, nhưng sẽ làm cho đức tin thêm vững mạnh hơn. Tôi tin vì uy quyền của chính Thiên Chúa, Đấng mạc khải, Đấng không thể sai lầm, cũng như không thể lừa dối chúng ta (số 156). Các thánh là những người thường xuyên sống “đêm tăm tối” trong đó tất cả những kinh nghiệm biến mất và chỉ còn lại đức tin (số 164). Chính khi đó, tình yêu không điều kiện của Thiên Chúa được tỏ lộ đối với những ai kiên trì một cách trung thành trong niềm tin vào Thiên Chúa, ngay trong những giai đoạn gặp khô khan và tăm tối. Thiên Chúa không rút lại phần thưởng của Ngài cho sự trung thành như vậy: chính Ngài sẽ là phần thưởng (số 2011).

Tìm hiểu Sách Giaó Lý Hội Thánh Công Giaó Bài 6. Giải thích Thánh Kinh


Tìm hiểu Sách Giaó Lý Hội Thánh Công Giaó 

 Bài 6. Giải thích Thánh Kinh

TÌM HIỂU SÁCH GL HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
Bài 6. GIẢI THÍCH THÁNH KINH
“Trong Thánh Kinh, Thiên Chúa nói với con người theo cách thức loài người. Vì vậy, để giải thích Thánh Kinh cho đúng, phải cẩn thận tìm hiểu điều các tác giả nhân loại thật sự có ý khẳng định và điều Thiên Chúa muốn tỏ bày cho chúng ta qua lời lẽ của các ngài” (GLHTCG số 109).
Công đồng Vaticanô II đưa ra nguyên tắc sau đây đối với tất cả việc giải thích Thánh Kinh: “Thánh Kinh phải được đọc và giải thích trong ánh sáng cùng một Chúa Thánh Thần, vì Thánh Kinh được viết ra bởi Chúa Thánh Thần” (số 111). Để hiểu Thánh Kinh cho đúng, phải đọc như Thánh Thần đã linh hứng, có nghĩa là phải được đọc trong đức tin, cũng như là gia tăng đức tin và là chứng tá cho đức tin.
Điều này đòi hỏi trước hết cần chú ý đến điều được gọi là nghĩa “văn tự” của Thánh Kinh, là nghĩa mà tác giả các bản văn Thánh Kinh muốn diễn tả. Thánh Têrêsa Lisieux ước muốn được học tiếng Hy Lạp và tiếng Do Thái để có thể hiểu cho đúng điều Thánh Kinh trình bày. Thêm vào đó, cách đọc so sánh với những bản dịch khác cũng hữu ích vì giúp chúng ta cảm nhận rõ hơn về chủ ý mà tác giả muốn diễn đạt. Thêm vào đó, sự hiểu biết rõ về lịch sử của một thời đại nhất định – đặc biệt lịch sử dân Do Thái, môi trường sống của dân tộc này, phong tục và điều kiện xã hội của họ – sẽ đóng góp rất nhiều cho việc hiểu rõ hơn bản văn Thánh Kinh.
Cần chú ý đến sự khác biệt của các “thể loại văn chương” được các tác giả sử dụng trong môi trường văn hóa thời các ngài, “vì chân lý được trình bày và diễn tả qua nhiều thể văn khác nhau: như thể văn lịch sử, ngôn sứ, thi phú hoặc những thể văn diễn tả khác” (số 110).
Chú giải có tính học thuật đóng một vai trò không thể thay thế để hiểu đúng bản văn Thánh Kinh. Chúng ta nhận ra rằng một khi ý nghĩa lịch sử và thể loại văn chương của các bản văn Thánh Kinh được biết rõ hơn, điều đó sẽ giúp cho chúng ta đạt được ánh sáng mới và ý nghĩa tôn giáo sẽ nổi bật hơn. Nhưng đọc bản văn Thánh Kinh thuần túy dựa trên phân tích lịch sử và ngôn ngữ thì không đủ. Chú giải mang tính chuyên môn và đức tin phải đi chung với nhau nếu muốn nắm bắt chứng từ tôn giáo của Thánh Kinh.
Vì vậy, Công đồng đưa ra 3 tiêu chuẩn để giải thích bản văn Thánh Kinh:
1/ Phải chú ý đến “nội dung và sự duy nhất của toàn bộ Thánh Kinh”. Thánh Kinh là một tổng thể duy nhất, tất cả các phần được gắn kết với nhau, thí dụ: người ta không thể cô lập một sách Tin Mừng hoặc một đoạn Thánh Kinh khỏi toàn bộ Kinh Thánh. Thánh Kinh chỉ là một, bởi kế hoạch của Thiên Chúa chỉ có một và Đức Giêsu Kitô là trung tâm và trái tim của kế hoạch ấy. Một trái tim đã rộng mở sau cuộc vượt qua của Người. (số 112).
2/ Phải đọc Thánh Kinh trong Thánh Truyền sống động của Hội Thánh. Chúng ta không phải là những người đầu tiên đọc Sách Thánh. Các bậc thầy như thánh Augustinô, Tôma Aquinô, Newman, đã đọc Sách Thánh như thế nào? Trong suốt chiều dài kinh nghiệm tôn giáo của Hội Thánh, Sách Thánh đã được hiểu ra sao? Theo châm ngôn của các Giáo phụ, Thánh Kinh được viết chủ yếu trên trái tim của Hội Thánh hơn là trên những vật liệu thể chất. Thật vậy, Hội Thánh lưu giữ ký ức sống động về Lời Thiên Chúa trong Thánh Truyền của mình, và Chúa Thánh Thần ban cho Hội Thánh khả năng giải thích Thánh Kinh theo cách thiêng liêng (số 113).
3/ Phải chú ý đến tính tương hợp của đức tin. Có nghĩa là sự liên hệ hài hòa giữa các chân lý đức tin với nhau và trong toàn bộ chương trình mạc khải (số 114). Đời sống của các thánh cung cấp việc giải thích Thánh Kinh sống động và cụ thể nhất. Ví dụ, cuộc đời thánh Phanxicô Assisi là một chú giải sống động về các sách Tin Mừng; các phép lạ trong các sách Tin Mừng được âm vang thành nhiều ngàn lần qua các phép lạ của các thánh. Hoặc bất cứ ai suy nghĩ về cuộc đời của Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II hay Chân phước Têrêsa Calcutta cũng sẽ học được cách đọc Tin Mừng trong cùng một Thánh Thần mà Tin Mừng được viết ra.

Tìm hiểu Sách Giaó Lý Hội Thánh Công Giaó 

 Bài 5. Thánh Kinh

SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
Bài 5. THÁNH KINH
Đôi khi chúng ta nghe có người nhận xét: Kitô giáo là “tôn giáo của Sách Thánh”, giống như Do Thái giáo và Hồi giáo, đó là vì 3 tôn giáo này đều chia sẻ cùng một yếu tố được đặt nền trên Sách Thánh được Thiên Chúa linh hứng: Thánh Kinh Cựu Ước đối với Do Thái giáo, Thánh Kinh Cựu và Tân Ước đối với Kitô giáo, và kinh Koran đối với Hồi giáo.
Tuy nhiên, yếu tố này nơi Kitô giáo không chính xác theo nghĩa chặt. Đức tin Kitô giáo không trực tiếp hướng về một cuốn sách; nó không đặt nền trên bất cứ lời nào được viết ra nhưng trên Ngôi Lời hằng sống của Thiên Chúa. Trung tâm đức tin của chúng ta là một Ngôi Vị của Lời vĩnh cửu, Con Thiên Chúa, Lời đã nhập thể làm người vì chúng ta (GLHTCG số 108). Trong Ngài, Thiên Chúa nói với chúng ta mọi điều và trao cho chúng ta mọi thứ. Đức Giêsu Kitô là cuốn sách sống động của chúng ta, Ngài là Lời của Thiên Chúa đối với con người (số 102).
Tuy nhiên Thiên Chúa đã mạc khải Lời này cách tiệm tiến. Ngài muốn hạ cố trước sự yếu đuối của chúng ta. Do vậy, Ngài đã cúi xuống với chúng ta như người cha cúi xuống đối với con cái họ. Thiên Chúa đã thích nghi Lời của Ngài đối với những năng lực hiểu biết của chúng ta. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa nói với dân Ngài qua những người được Thiên Chúa tuyển chọn; và nhiều điều Thiên Chúa đã làm cho dân của Ngài cũng như những lời Ngài nói với họ qua các ngôn sứ, dần dần được ghi lại trong những quyển sách khác nhau làm nên Thánh Kinh Cựu ước ngày hôm nay (số 122).
Cuối cùng Thiên Chúa nói với chúng ta qua Người con duy nhất của Ngài. Đó là lý do tại sao những lời và những hành động của Chúa Giêsu rất quan trọng đối với chúng ta. Những lời và hành động đó được diễn tả qua ngôn ngữ của con người. Những hành động Chúa Giêsu làm và những lời Chúa Giêsu rao giảng được các môn đệ của Ngài chuyển giao một cách trung thành và tin cậy bởi vì các môn đệ muốn dẫn nhiều người đến với Chúa Giêsu, người thầy yêu quý của họ. Đấng đã quy tụ họ lại chung quanh và đã chia sẻ sự sống của Ngài với họ. Trước hết là qua lời truyền khẩu, các môn đệ đã truyền thông về những gì họ đã biết về Đức Giêsu và điều Ngài đã dạy họ. Nhưng không lâu sau, họ đã ghi lại rất nhiều điều trong những lời truyền khẩu này. Như vậy các sách Tin Mừng dần dần hình thành (số 126).
Khi chúng ta xem xét những gì vừa được đề cập, rõ ràng là các môn đệ và những người bạn đồng hành với họ đã thông truyền những điều đáng tin cậy trên bình diện lịch sử về Chúa Giêsu trong các sách Tin Mừng. Hình ảnh rõ ràng về Chúa như họ nhận biết hiện ra quá lớn lao trước mặt họ. Ấn tượng mà những lời nói và hành động của Chúa Giêsu để lại quá mạnh mẽ, đến nỗi không thể nghĩ rằng họ đã tìm cách thích ứng hình ảnh họ có về Chúa Giêsu cho phù hợp với “tinh thần thời đại”. Do đó, tại Công đồng Vaticanô II, Hội Thánh không do dự khẳng định tính lịch sử của các sách Tin Mừng (MK 19).
Hơn nữa, tính đáng tin của Thánh Kinh không chỉ dựa vào sự khả tín của các chứng nhân mà thôi, nhưng còn dựa vào công trình của Chúa Thánh Thần như Công đồng dạy: “Thật vậy, Hội Thánh, Mẹ thánh chúng ta, nhờ đức tin tông truyền, xác nhận rằng toàn bộ các sách Cựu Ước, cũng như Tân Ước với tất cả các phần đoạn đều là sách thánh và được ghi vào bản thư quy Thánh Kinh: bởi lẽ được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, các sách ấy có tác giả là chính Thiên Chúa và được truyền lại cho chính Hội Thánh với tư cách đó” (số 105). Thánh Kinh được cử hành chính thức trong phụng vụ như là Lời của Thiên Chúa hằng sống (số 103). Thánh Kinh chính là Lời của Thiên Chúa được diễn tả trong ngôn ngữ của con người (số 101).
Nguồn: 
 WHĐ

Tìm hiểu Sách Giaó Lý Hội Thánh Công Giaó Bài 4. Thiên Chúa mạc khải


Tìm hiểu Sách Giaó Lý Hội Thánh Công Giaó

 Bài 4. Thiên Chúa mạc khải

SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
Bài 4. THIÊN CHÚA MẠC KHẢI
Mỗi người có khả năng tìm kiếm và gặp được Thiên Chúa, Ngài không xa lạ với mỗi người chúng ta” vì “trong Ngài chúng ta sống, cử động và hiện hữu” như Thánh Phaolô nói với người dân thành Athêna – Hy Lạp (Cv 17,28). Tuy nhiên, như đã trình bày ở bài “Tìm và gặp Thiên Chúa”, vì chúng ta sử dụng lý trí cách lệch lạc và vì sự yếu đuối của ý chí nơi mỗi chúng ta, nên việc tìm kiếm này vẫn còn là dò dẫm, thường xuyên đi lạc và dẫn đến những thần tượng giả. Do đó Thiên Chúa đã chọn một cách khác. Chính Thiên Chúa đi tìm con người, tìm kiếm con người như người mục tử trong dụ ngôn con chiên lạc. Thiên Chúa đến với con người, làm cho Ngài được biết đến. Thiên Chúa mạc khải chính Ngài cho chúng ta (GLHTCG số 50).
Đức tin Kitô giáo dựa vào mạc khải: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1Cr 2,9). Mạc khải trước hết có nghĩa là Thiên Chúa làm cho Ngài được nhận biết, kế đó thông ban chính Ngài cho chúng ta. Hai khía cạnh này gắn bó chặt chẽ với nhau. Do lòng nhân lành và khôn ngoan, Thiên Chúa đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho biết mầu nhiệm thánh ý của Ngài; nhờ mầu nhiệm đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô – Ngôi Lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần vào bản tính Thiên Chúa (số 51).
Thiên Chúa mạc khải chính Ngài một cách tiệm tiến, qua từng giai đoạn (số 53). Mặc dù Thiên Chúa đã thông ban cho con người tất cả những bằng chứng về sự hiện diện của Ngài qua tạo dựng (số 54), nhưng lịch sử mạc khải của Thiên Chúa bắt đầu với ơn gọi của Abraham. Thiên Chúa đã thực hiện một giao ước với ông, người sẽ trở thành cha của những người tin. Abraham sẽ là tổ phụ của dân Israel, Thiên Chúa đã trao cho ông một lời hứa (số 59). Thiên Chúa đã chọn một người từ nhiều người, chọn một dân tộc giữa nhiều dân tộc để mạc khải mầu nhiệm ý muốn của Ngài. Giữa lòng nhân loại, dân được tuyển chọn này có nhiệm vụ đón nhận mạc khải của Thiên Chúa. Qua họ, mọi dân tộc được chúc lành và nhận biết Thiên Chúa (số 62).
Qua dòng lịch sử dân Chúa, Thiên Chúa thực hiện cuộc chọn lựa đặc biệt khác. Trong số dân Israel, Thiên Chúa chọn một người để qua người đó mạc khải quyết định vĩnh cửu của Ngài, “mầu nhiệm ý muốn của Thiên Chúa”, người đó là Đức Trinh Nữ Maria (số 488). Qua người trinh nữ này cùng với lời xin vâng, Thiên Chúa sẽ hoàn tất mạc khải – qua Đức Giêsu.
Mạc khải đến với chúng ta trọn vẹn chỉ qua Đức Giêsu. Ngài là Con Thiên Chúa, Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa. Nơi LỜI này, Thiên Chúa nói với chúng ta tất cả những gì Ngài muốn nói. Đức Giêsu Kitô là sự viên mãn của tất cả mạc khải (số 65). Mạc khải bao gồm không chỉ là lời và hành động, nhưng là một Ngôi vị - Đức Giêsu Kitô. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa không chỉ thông truyền điều gì đó về chính Ngài và mầu nhiệm của Ngài nhưng thông ban chính Ngài cho chúng ta.
Đó là lý do tại sao Công đồng Vaticanô II nói: Mạc khải đã được hoàn tất với Đức Kitô, và không còn cần chờ đợi một mạc khải công nào mới trước khi Đức Giêsu Kitô – Chúa chúng ta – tỏ lộ trong vinh quang (số 66). Chúng ta sẽ không bao giờ múc cạn sự phong phú nơi Đức Kitô, Ngài sẽ không bao giờ bị vượt qua. Những điều được gọi là “mạc khải tư” giả định rằng không bao giờ nó đem đến điều gì mới mà lại không có sẵn trong mạc khải của Đức Kitô (số 67). Tuy nhiên, mạc khải tư có thể đóng góp là khơi gợi đức tin của chúng ta vào Đức Kitô, nhóm lên tình yêu của chúng ta đối với Đức Kitô như trong trường hợp Thánh Tâm Chúa Giêsu mạc khải cho thánh nữ Magarita Maria Alacoque.
Nguồn: 
 WHĐ

Tìm hiểu Sách Giaó Lý Hội Thánh Công Giaó Bài 3. Tìm và gặp Thiên Chúa


Tìm hiểu Sách Giaó Lý Hội Thánh Công Giaó 

 Bài 3. Tìm và gặp Thiên Chúa

SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
Bài 3. TÌM VÀ GẶP THIÊN CHÚA
Một khẳng định đem đến sự ngạc nhiên cho nhiều người: “Hội Thánh dạy rằng chúng ta có thể nhận biết cách chắc chắn sự hiện hữu của Thiên Chúa nhờ ánh sáng tự nhiên của lý trí con người” (GLHTCG số 36). Lý trí của chúng ta có thể dẫn chúng ta tới sự nhận biết chắc chắn rằng Thiên Chúa hiện hữu. Nói cách khác, không qua mạc khải, chúng ta có thể biết “có Thiên Chúa” dựa vào khả năng của tri thức tự nhiên. Lời khẳng định này của Hội Thánh diễn tả sự tin tưởng rất lớn vào con người. Hội Thánh vẫn luôn bảo vệ phẩm giá và khả năng của lý trí mà Thiên Chúa ban cho con người.
Trí tuệ của con người là một phép lạ vĩ đại! Làm sao không thể ngỡ ngàng khi một điều gì đó bỗng bất ngờ trở nên rõ ràng đối với chúng ta. Như Isaac Newton (1642-1727) khám phá ra định luật vạn vật hấp dẫn từ việc quan sát và ghi nhận trái táo rơi; như Archimedes (287-212 trước công nguyên) từ trong bồn tắm ngỡ ngàng la lên “Tìm ra rồi!” khởi đầu cho một khám phá quan trọng là ‘lực đẩy của nước’. Nhà bác học Einstein có một nhận xét đáng lưu ý: “Điều ngỡ ngàng không phải là chúng ta nhận biết thế giới bao la, nhưng điều ngỡ ngàng là chúng ta có khả năng để nhận biết nó”. Sự ngỡ ngàng như đứa bé với nhiều câu hỏi “tại sao” về một điều gì đó cho đến khi nó thỏa mãn. Xét về căn bản, một người trưởng thành cũng không có gì khác trong cuộc hành trình tìm kiếm. Nhưng điều còn ngỡ ngàng hơn nữa là chính sự kiện: chúng ta có khả năng nắm bắt thực tại, có thể thấu hiểu cơ cấu của vũ trụ và năng lực của các nguyên tố tạo thành, không phải trên cái nền hỗn mang, nhưng là trên những hình thái trật tự luôn mới mẻ lạ lùng (số 283). Nhà nghiên cứu càng đi sâu vào trong những lãnh vực khác nhau của thực tại lại càng ngỡ ngàng về trật tự tạo dựng (số 299).
Chúng ta có thể nhận biết trật tự này bởi vì nó hiện hữu. Thế giới này không phải là một sự hỗn loạn mù lòa, nhưng là một vũ trụ, đó là một thực tại hài hòa, trật tự và xinh đẹp (số 32). Điều ngỡ ngàng là chúng ta không còn biết ngỡ ngàng nữa! Phải chăng chỉ là chuyện ngẫu nhiên khi vũ trụ bao la này lại chứa hành tinh nhỏ bé của chúng ta, đó là trái đất, và hành tinh này lại có những điều kiện thuận lợi để sự sống có thể hình thành ở đó? Và còn ngỡ ngàng hơn nữa khi chúng ta là những con người hiện hữu trên hành tinh này lại có khả năng nhận biết tất cả những điều đó và lấy làm ngạc nhiên? Bất cứ ai biết ngỡ ngàng trước những điều lạ lùng trong vũ trụ đều phải thốt lên như tác giả thánh vịnh: “Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu” (Tv 8,10).
Các triết gia đã định nghĩa: Bỡ ngỡ là khởi nguồn cho triết học. Thánh Kinh đi xa hơn khi nói rằng: Kính sợ Thiên Chúa là nguồn gốc của khôn ngoan và “chỉ có kẻ ngu si tự nhủ: không có Thiên Chúa” (Tv 14,1). Thánh Tôma Aquinô diễn giải: Thiên Chúa là thực tại đáng nhận biết nhất bởi vì không có gì rõ ràng, rực rỡ và chân thật hơn chính Thiên Chúa. Do đó, không có sự nhận biết nào thỏa mãn nỗi khao khát của chúng ta cho bằng được nhận biết Thiên Chúa (số 1718). Thấy và nhận biết Thiên Chúa chính là hạnh phúc trọn vẹn: thiên đàng (số 1024).
Nhưng tại sao sự nhận biết Thiên Chúa nơi chúng ta thường xuyên bị che mờ và vẩn đục như thể Thiên Chúa là một ý tưởng không có thật? Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Lý trí của chúng ta vốn yếu kém, chúng ta mải bận tâm với những gì trực tiếp trước mắt chúng ta, chúng ta bám víu vào bề mặt để nhận thức về sự vật. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất là chúng ta bị què quặt bởi sự “hôn mê tri thức” đến từ tội nguyên tổ, khiến chúng ta lẩn tránh những nỗ lực và hy sinh liên quan đến việc tìm kiếm chân lý (số 37). Để nhận biết Thiên chúa, chúng ta phải tìm Ngài, điều này đòi hỏi một ý chí với tất cả sức mạnh của chúng ta (như Giacóp trong cuộc vật lộn với Thiên Chúa – St 32) nhưng điều này lại thiếu nơi chúng ta. Chắc chắn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta lý trí và ý chí để nhờ đó chúng ta tìm kiếm và gặp được Thiên Chúa. Nhưng về phần chúng ta, chúng ta vẫn còn “ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần” (Lc 1,79). Vì thế, chính Thiên Chúa cung cấp cho ta một phương thế mới hoàn toàn: qua mạc khải của Thiên Chúa.
Nguồn: 
 WHĐ

Tìm hiểu Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo – Bài 2. Giáo lý Công giáo là gì?


Tìm hiểu sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo

Bài 2. Giáo lý Công giáo là gì?

SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
Bài 2. GIÁO LÝ CÔNG GIÁO LÀ GÌ?
Đức hồng y Christoph Schönborn kể lại một kinh nghiệm: Đầu năm 1993, tại Ấn Độ, ngài được giới thiệu một cuốn sách được bán nhiều nhất lúc đó, có tựa đề: “Bố ơi, con có phải là một người Ấn Giáo không?” Câu hỏi này được thốt ra từ một đứa bé đã đặt ra cho bố nó và tiếp theo là nhiều câu hỏi khác nữa liên quan đến tôn giáo của họ, Ấn Độ giáo. Kết quả đã hình thành nên một quyển sách giáo lý cho người Ấn Giáo được trình bày trong một hình thức quen thuộc hỏi-thưa. Sự kiện như thế cho thấy dạng thức hỏi-thưa của sách giáo lý đã gây hứng thú và sự quan tâm cho rất nhiều người. Nói theo ngôn từ của Công đồng Vaticanô II, đó là cần nhận ra những dấu chỉ thời đại. Rất rõ ràng, trong một thế giới ngày càng thu nhỏ, trong đó các biên giới và khoảng cách được vượt qua bởi kỹ thuật tiên tiến và phương tiện truyền thông, không chỉ các Kitô hữu mới đi tìm kiếm sự hiểu biết sâu xa và rõ hơn về tôn giáo của họ, nhưng ngày càng có nhiều người đang đặt lại câu hỏi về cội nguồn của mình, về câu hỏi đâu là nền móng có thể hỗ trợ cho “căn nhà” là chính cuộc đời của mình được vững chắc. Câu hỏi về ý nghĩa, về mục đích cuộc đời có thể một lúc nào đó bị xao lãng nhưng không bao giờ bị xóa bỏ khỏi tâm thức con người. Thật là ý nghĩa, khi con người bắt đầu tìm lại những nền móng của niềm tin tôn giáo nơi họ, cũng là nền móng cho chính đời sống của riêng họ.
Thực ra, khi lần tìm về cội nguồn của Kitô giáo, từ “dạy giáo lý” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “lặp lại, dội lại” (echo). Một chân lý đức tin giới thiệu cho người nghe và được lặp lại cho đến khi thuộc, như thế hình thức hỏi-thưa đã hiện diện ngay từ những ngày đầu của Giáo hội. Chỉ đến sau này nó được đặt tên là sách giáo lý, nhưng cũng phục vụ cùng một mục đích như trước đây, đó là củng cố, đặt những nền móng của đức tin Kitô giáo. Những thời kỳ Hội Thánh được canh tân cũng là những thời kỳ mạnh về việc dạy giáo lý (GLHTCG số 8). Mặc dù không quyển sách nào có thể thay thế được sứ vụ sống động của đời sống chứng tá đức tin, nhưng sách vở là một sự trợ giúp cho đời sống sứ vụ. Sự hiệp thông cá vị với Đức Kitô và đời sống yêu thương phát xuất từ đức tin của một người chính là phương thế thuyết phục nhất của việc dạy giáo lý (số 427). Đức giáo hoàng Gioan Phaolô I, vốn là bậc thày dạy giáo lý, đã dâng tặng cho mẹ mình quyển sách ngài viết về việc dạy giáo lý, với đề tặng: “Để tưởng nhớ đến mẹ tôi, người giáo lý viên đầu tiên.” Đúng vậy, chính đời sống chứng tá của người mẹ công giáo trở thành những bài giáo lý đầu tiên cho vị giáo hoàng tương lai.
Điều đó không có ý nói rằng sách giáo lý là không cần thiết, vì để có thể chuyển giao đức tin, chúng ta phải quen thuộc với nội dung đức tin, và một bố cục đơn giản, rõ ràng về giáo lý đức tin là điều cần thiết cho nội dung ấy. Sách giáo lý có mục đích giúp hiểu biết đức tin cách sâu xa hơn, nhờ đó đức tin được trưởng thành, đâm rễ sâu hơn vào cuộc sống và chiếu tỏa trong đời sống chứng nhân (số 23).
Tại Công đồng Vaticanô II, Chân phước Giáo Hoàng Gioan XXIII đã mời gọi các nghị phụ có trách nhiệm bảo vệ và trình bày kho tàng đức tin một cách hiệu quả để có thể đến được dễ dàng với tất cả các tín hữu và những ai thành tâm thiện chí trong thế giới hôm nay. Tại Thượng Hội đồng Giám mục thế giới năm 1985, câu hỏi được đặt ra: có nên biên soạn hay không một quyển sách về đức tin, một cuốn sách giáo lý cho toàn thể Hội Thánh, sách này sẽ cung cấp một nguồn hướng dẫn đáng tin cậy, một điểm nhấn định hướng trung tâm, nghĩa là một cuốn sách giáo lý của Hội Thánh Công Giáo (số 10). Và ngày 11.10.1992, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ra tự sắc “Kho Tàng Đức Tin” công bố sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Chọn ngày này để công bố, Chân phước Gioan Phaolô II muốn đánh dấu kỷ niệm 30 năm khai mạc Công đồng Vaticanô II. Ngài trình bày sách giáo lý này như một thủ bản tham chiếu cách trung thực và chắc chắn để dạy giáo lý công giáo, cách riêng để tham chiếu cho việc soạn các sách giáo lý của các giáo hội địa phương.
Sách giáo lý mới này có thể phục vụ cho mục đích gì? Mục tiêu trước hết và quan trọng nhất chắc chắn là để đào sâu đức tin của mỗi người. Chúng ta chỉ có thể yêu điều chúng ta biết; yêu nhiều thì mong muốn được biết nhiều hơn, từ đó dẫn đến khao khát được thông truyền cho những người khác điều chúng ta yêu mến (số 429). Đức Kitô là trung tâm của việc dạy giáo lý; sự hiệp thông sống động với Đức Kitô là mục tiêu của tất cả các giáo lý viên (số 426). Đây là mục tiêu đầu tiên của sách giáo lý: nhận biết tình yêu của Chúa Kitô, tình yêu vượt quá mọi hiểu biết (Ep 3,19). Đó là lý do tại sao sách giáo lý bắt đầu với lời tuyên xưng đức tin - kinh Tin kính - nói đến Thiên Chúa là Cha, Người Con chí ái của Ngài Đức Giêsu Kitô, và Chúa Thánh Thần.
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo được sắp xếp thành 4 phần: Tuyên xưng đức tin; Cử hành mầu nhiệm Kitô giáo; Đời sống trong Đức Kitô; Kinh nguyện Kitô giáo. Toàn bộ nội dung của sách là trung thành với Thánh Truyền – Thánh Kinh – và Huấn Quyền; đồng thời kết hợp với di sản của các thánh tiến sĩ trong giáo hội, các giáo phụ, và các thánh. Với ánh sáng đức tin, sách giáo lý soi sáng những tình huống, vấn đề và những câu hỏi của con người hôm nay.
Nguồn: 
 WHĐ