Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

Sự trở lại Hồn Địa-nhà thờ Kađơn

Sự trở lại của hồn địa

(Return of Genius Loci)



Giấc mơ của chúng tôi là một Nhà thờ vùi vào núi đồi nên thơ này, duy chỉ tháp chuông vươn mình đưa thánh giá vượt lên.

"Vậy hình ảnh nào để tôi có thể dựng lên dâng Người khi chính con người là tạo vật của Chúa?
Đền thờ như thế nào tôi có thể xây lên khi không một sản phẩm nào có thể sánh được với thế giới mà Người tạo ra?
(*)

Nơi chốn, Mái nhà quê / Mái nhà Chúa cho một dân tộc



Nhà ở truyền thống của người Churu, một tộc người sinh sống tại vùng Đơn Dương - Lâm Đồng.
Kế thừa nền tảng truyền thống nào chúng ta kiến tạo tương lai?
Ước vọng nhập hồn quê hương vào mỹ ảnh ngôi nhà Chúa đã kiến tạo nên một mái nhà thờ trong suốt, có thể chạm tay vào thiên nhiên ngay trong lòng Chúa, đậm đà bản sắc dân tộc.

Sự trong suốt: Tâm hồn của nơi chốn



Sự trong suốt được định nghĩa qua cảm nhận sự giao thoa đồng thời của nhiều lớp không gian.

Không có gì huy hoàng hơn tạo vật của Chúa, những gì hiện hữu trên mảnh đất này. Đấy là tất cả những gì chúng ta được hưởng thụ và có thể dâng lên Người.
Cảnh vật huy hoàng: nền đất đỏ, núi non trải dài, nắng, gió, không khí, vầng trăng và ánh sao được sử dụng như trang sức cho Nhà thờ.
Cùng với tiết tấu và nhịp điệu của hệ cột và phần “rèm” nan gỗ, không gian trong Nhà thờ thấm đẫm thiên nhiên. Nhà thờ không chia cắt tầm nhìn ra cảnh vật xung quanh mà chính là một phần của cảnh vật nơi đây.

Sự trở lại của hồn địa!

Mái nhà một dân tộc





Bức màn chuyển tiếp từ không gian trần thế vào thế giới tâm linh là hàng cột xếp gần nhau bao quanh phòng thánh lễ.Mái nhà thờ phủ thấp dài như muốn mỗi người cúi đầu chuẩn bị tâm hồn trước khi bước vào Nhà Chúa. Đặt bước qua khỏi „bức màn” này, không gian phòng thánh lễ cao vút và cảnh vật bên ngoài hòa quyện vào nhau, chỉ còn mái nhà rộng lớn chính là sự che chở của Người.
Nơi đây, dưới mái hiên lớn, vươn rộng của Nhà thờ, trẻ em có thể học hành và chơi đùa trong cả hai mùa mưa nắng.
Bên trong Nhà thờ, hình dạng mái được cộng hưởng với tiết tấu cột làm tăng thêm tính linh thiêng của không gian thánh lễ.

Tổ chức không gian tập trung sự hiển linh và mở rộng không gian thánh lễ

1. Phòng thánh lễ chính
2. Phòng sinh hoạt đa năng
3. Phòng giáo lý
4. Phòng áo lễ
5,6,7. Nhà xứ (hiện trạng)
8. Tháp chuông

Cùng với sự cơ động của các phòng giáo lý, phòng sinh hoạt đa năng và mái hiên rộng bao quanh, không gian thánh lễ có thể mở rộng để đón nhận hơn 3.000 người dự lễ. Nhịp điệu của hệ cột nhà thờ định nghĩa sự mở rộng không gian thánh lễ từ cung thánh ra khỏi đường ranh giới của mái hiên.
Bàn thờ tập trung sự hiển linh.
Nhà thờ không có viền bao và giới hạn.
Mảnh đất linh thiêng! Ngọn đồi chính là Nhà Chúa!


KTS Nguyễn Tuấn Dũng và KTS Vũ Thị Thu Hương

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

THÚ CHƠI CÂU ĐỐI

THÚ CHƠI CÂU ĐỐI – NÉT ĐẸP TRONG VĂN HÓA NGÀY TẾT VIỆT NAM
Hiếu Đức

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Nêu cao, pháo nổ, bánh chưng xanh
Hai câu đối Tết nầy không ai không thuộc lòng, hình ảnh rất bình thường, nhưng dựng nên được khung cảnh ngày Tết, vẽ lên được cái cung cách ăn Tết của dân ta. Ngày nay tuy không còn thấy nêu cao pháo nổ, nhưng vẫn gợi lên cái tính khí hào hiệp, rộng rãi, và vị tha của người Việt “dẫu đói cũng ngày Tết, dù hết cũng ngày mùa”. Khi Tết đến tất cả chuyện xấu xa, xui xẻo cũ coi như bỏ qua, để lo trang hoàng lộng lẫy, trong đó có câu đối, để chào mừng một năm mới. Việt nam có nhiều ngày Tết, người ta soạn ngày tháng theo sự tuần hoàn của mặt trăng, gọi là Âm lịch (âl). Tết Thượng Nguyên nhằm vào ngày rằm tháng giêng. Thanh minh vào khoảng mồng 6 tháng 3. Đoan ngọ mồng năm tháng năm Trung nguyên rằm tháng bảy. Trung thu rằm tháng tám ( âl )..Chữ Tết là nói tắt hai chữ lễ tiết. Ngày Tết nêu ở đây là nói về ngày Lễ tiết Nguyên Đán, tức là ngày đầu năm mới của âm lịch. Từ khi bắt đầu tiết Lập xuân, thiên nhiên chuyển mình từ khí hậu đông tàn lạnh lẽo, sang hơi ấm của mùa xuân, những vùng khí hậu ôn đới như Việt nam, trăm hoa đua nhau khoe màu sắc. Nụ tầm xuân chúm chím đón xuân, cùng với cành mai vàng, vạn thọ, đào hồng.. đua nở. Cây lá tranh nhau nẩy chồi sinh lộc, hòa mình cùng không khí rộn rã đón xuân của hằng triệu con tim.
Ngày Tết dân tộc ta có nhiều phong tục hay gọi là thuần phong mỹ tục, như khai bút , khai canh, hái lộc, chúc Tết, du xuân, mừng thọ, viếng thầy. Bên cạnh những phong tục ý nghĩa trên, chơi câu đối Tết là những thú chơi tao nhã, mang nét đẹp văn hóa ngày Tết của dân tộc Việt nam.
Câu đối Tết, trước là phô bày nét bút mềm mại, hoặc cứng cỏi, hoặc rồng bay phượng múa.. Dùng các loại giấy, bút, mực nào, phép làm một câu đối ra sao. Hình thức và luật lệ câu đối theo các trình tự sau đây:
Câu đối Tết có tính cách thời sự, chỉ sử dụng ba ngày Tết, hoặc hết tháng giêng, có người tháo gỡ câu đối cẩn thận giữ lại, vì nhiều câu mang ý nghĩa chung về mùa xuân có thể dùng để chưng bày cho năm tới. Câu đối Tết không chạm khắc trên gỗ như câu liễn; thường chỉ sử dụng các loại giấy màu đỏ (hồng điều ). Giấy Gió là loại giấy sản xuất bằng thủ công, rất thích hợp cho viết thư pháp và câu đối. Giấy hoa tiên làm bằng công nghệ cao, có in chữ Túc, chữ Thọ, hoặc hoa văn chìm, hoặc dát kim tuyến vàng làm nỗi bật chữ viết. Giấy trơn, giấy láng, giấy hồng đơn, thích hợp cho viết bằng sơn, phẩm màu. Giấy kim tuyến, giấy màu thủ công dùng để cắt dán chữ theo hình tròn hoặc vuông theo mẫu chữ có sẵn hoặc tự nghĩ. Giấy súc, giấy Thượng hải, để thể hiện sự cổ kính.. Bút tre là loại bút tự sản xuất bằng tre cật. Không dùng tre quá già hoặc quá non, không dùng lóng có lồng mắt (1)vát mỏng , dùng sống rựa đập dập, chế bút tre rất công phu nhưng chỉ sử dụng có một lần. Nét xước trong bút tre cho ta nét chữ rất độc đáo. Ngày nay người ta thường dùng bút lông của Trung quốc hay Nhât bản có bán đủ loại kích cỡ tùy theo người thực hiện ưa thích. Mực tàu thỏi, khi mài pha ít nước ấm trên nghiêng bằng sành, Mực pha sẵn rất tiện dụng. Mực in hơi đặc quánh, màu sẫm, nét chữ mạnh mẽ và nỗi cộm. Sơn dầu thể hiện sự quý phái, rực rõ, trang trọng .
Bây giờ chúng ta có thể “ bày mực tàu giấy đỏ, bên phố đông người qua…” (2 ) như hình ảnh cụ đồ trong thơ . Để thể hiên nét chữ thư pháp, người viết câu đối biết nhấn xuống ( Ức ) nâng lên ( Dương ) dè dặt ( Đốn ) hạ xuống ( Tỏa ) chậm trể ( Trì ) nhanh chóng ( Tốc ) thả lại ( Hoàn ) gấp gáp (Khẩn ) nhẹ ( Khinh ) Nặng ( Trọng ) (3 ) chấm phá, bay bổng, thanh thoát, như rồng bay phụng múa trong cái hữu hình thể hiện được “cái thần”. Hình thức câu đối rất cần thiết, gây một ấn tượng nghệ thuật cho người xem, cho nên người thủ bút cần phải cẩn trọng trong cách viết câu đối.
Ở làng quê, câu đối Tết, người ta dán từ ngoài cổng cho đến trong nhà. Tùy theo ý nghĩa của câu đối cho phù hợp nơi dán. Để tỏ lòng hiếu khách, ngày tết người ta mong có khách đến để được tiếp đãi. Cổng xây trụ gạch dán câu:
Môn lai khách đáo thiên tài đáo
Gia hựu nhân lai vạn vật lai
Tạm dịch :
Cửa nhiều khách đến nhiều tiền đến
Nhà có người vào lắm vật vào (4)

Bước vào hiên nhà, cột hàng hiên, hay trước cửa ra vào, cũng tùy câu tùy cảnh, miễn là dán nơi cân xứng, trang trọng, để chào mừng, tiếp rước khách. Vào trong nhà thấy câu:
Bất cần nêu đem mới lại cho mau, già, trẻ, gái, giai đều sướng kiếp
Đùng tiếng trúc đuổi cũ đi đã đáng, cỏ, hoa, non, nước cũng mừng xuân (5)
Ngày xưa chơi câu đối Nôm, vế trên luôn dán bên phải, vế dưới dán bên trái, theo lối đọc Hán tự là đọc từ trên xuống từ phải sang trái. Ngày nay câu đối thường dùng thuần chữ quốc ngữ, thường cũng viết mỗi chữ từ trên xuống dưới, nhưng chúng ta nên dán câu đối vế trên bên tay trái, vế dưới bên tay phải, để đọc cho dễ dàng.
Một câu đối có hai câu đi song song với nhau, mỗi câu một vế. Nếu câu đối ấy tự mình làm ra, thì một vế gọi là vế trên, một vế gọi là vế dưới. Nếu một người nghĩ ra một vế, để người khác làm vế kia, thì vế người nghĩ ra trước là vế ra, còn vế người làm ra sau gọi là vế đối.
Số chữ trong câu đối không nhất định, muốn làm dài ngắn bao nhiêu cũng được.
Các câu tiểu đối, nếu đặt được bằng thì đối với trắc hoặc ngược lại. Các câu đối thơ thì phải đúng luật bằng trắc của thơ Đường của hai câu thực hoặc câu luận, trong thơ ngũ ngôn hoặc thất ngôn. Các câu đối phú thì các chữ cuối của mỗi vế, và chữ cuối của mỗi đoạn phải bằng đối với trắc, hoặc trắc đối với bằng. (6) Ví dụ:
Đối đỏ vài câu, (B) đủ để cho rằng nhà có Tết (T).
Thơ Đường năm vận (T) lẽ nào bảo được cảnh không Xuân (B) (7) .
Đã sẵn sàng nghiên bút, hiểu được luật trắc bằng, tìm một vài ý tưởng thanh cao trong ngày xuân, bình vài câu đối ca ngợi Đấng sáng tạo, vẽ lên một bức tranh xuân vui nhộn, hoặc cười ra nước mắt, thật da dạng và phong phú trong thú chơi câu đối Tết.
Mặc dầu chữ Nôm và chữ Quốc ngữ đã thịnh hành rất lâu, một số người do biết một ít Hán tự, hoặc thích chơi chữ, ngày Tết hay dùng câu đối cổ. Câu đối cổ đôi khi cũng có ưu điểm. Ngày xuân nhàn hạ, khách đến thăm, chúc Tết gia đình, nhâm nhi chút rượu trà bánh mứt. Kẻ biết chữ Nho thì bình câu đối, kẻ không rõ thì học hỏi chủ nhân, bàn qua tán lại, gật gù khen câu:
Xuân như cẩm tú, nhân như ngọc
Khách mãn gia đình tửu mãn chung.
Lược dịch:
Xuân như gấm vóc, người như ngọc
Khách chật nức nhà, rượu đầy chung.

Ngày Tết người ta thường chúc nhau những gì tốt đẹp nhất, hạnh phúc nhất, giàu có thịnh vượng, và sống lâu trường thọ:
Ngoài cửa mừng Xuân nghênh Ngũ Phúc.
Trong nhà chúc Tết hưởng Tam Đa.

Câu nầy chắc hẳn nhiều người thắc mắc thể nào là Ngũ Phúc, Tam Đa. Nhân dịp nầy chủ nhân sẽ tha hồ giải thích nào là Phú, Thọ, Khương ninh, Du hiếu đức, Khảo chung minh ( ngũ phúc ) nào là Phước Lộc Thọ ( Tam đa ). Dù cho quanh năm lam lũ, nhưng mấy ngày Tết thì tưng bừng vui vẻ. Vui như Tết là câu nói bình dân cửa miệng, bởi vì ngày Tết có nhiều hội xuân, nhưng thú bình câu đối chỉ vài ba bạn hữu thâm tình, am hiểu thi văn, nó cũng rất đơn sơ, khề khà vài câu bên ấm trà ly rượu, mượn văn câu đối mà chúc tụng nhau, xem ra thanh cao, nhàn hạ vậy.
Ngày nay đi tìm cụ đồ, bày mực tàu giấy đỏ để viết câu đốiTết thật là khó. Nhưng hình ảnh đó đã đi vào thơ văn và lòng dân tộc Việt. Cụ đồ già ngồi viết câu đối là báo hiệu cho ngày Tết sắp đến. Hình ảnh đó không còn, nhưng câu đối vẽ lên bức tranh xuân vẫn còn:
Trúc báo bình an, tài lợi tiến
Mai khai phú quý lộc quyền lai.
Trúc với mai là hai cây cảnh thường trồng trước cửa nhà. Khi xuân sang lá trúc xanh tươi, hoa mai vàng nở rộ, báo hiệu cho một năm mới bình an, mưa thuận gió hòa, đựơc mùa, bội thu, lộc quyền cũng thăng tiến .Cảnh đẹp núi non hùng vĩ, suối tuôn róc rách, khi đất nước vào xuân, thì bất kỳ nơi nào về với thiên nhiên, non nước vẫn hữu tình:
Sơn thủy thanh cao xuân bất tận
Thần tiên lạc thú cảnh trường sinh .
Tạm dịch :
Phong cảnh thanh cao xuân mãi mãi
Thần tiên vui thú cảnh đời đời.
Ngày Tết tục trồng cây nêu, gói bánh chưng, bánh tổ, bánh dày, làm mứt gừng bánh hỏi tùy theo phong tuc tập quán từng miền. Nhưng câu đối thì miền nào cũng có, nó là duyên nợ của lối văn biền ngẫu, như Bà Huyện Thanh Quan diễn tả :
Duyên với giang sơn nên dán chữ
Nợ gì trời đất phải trồng nêu.
Người Việt khi rời xa Tổ quốc, dù nơi đó tuyết rơi lạnh buốt, nhưng vẫn đậm đà ấm áp nhờ vài câu đối để gởi gấm về quê hương một món quà tinh thần:
Cho dù lưu lạc muôn nơi, luôn giữ truyền thống dựng mùa Xuân dân tộc
Dẫu phải nỗi trôi ngàn hướng, vẫn nhớ quê hương lưu ngày Tết cổ truyền (Cool
Khi phúc âm chưa truyền bá vào Việt nam, quan niệm ông Trời đã có trong câu đối Tết:
Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ
Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường.
Tạm dịch:
Trời cho năm tháng, người thêm tuổi.
Xuân cùng trời đất, phước đầy nhà

Thiên tức là Trời, Trời ở đây là một Đấng sáng tạo. Còn trời đất (càn khôn) của vế dưới dù giải thích duy vật hay duy tâm cũng là tuần hoàn của thiên nhiên, tất cả đều do một Đấng sáng tạo ra bốn mùa: xuân sanh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàn. Cho nên ngày đầu Xuân mượn câu đối để tỏ lòng tạ ơn Trời Đất ban cho hạnh phúc bình an:
Địa sinh tài, thế nghiệp quang huy
Thiên tứ phúc, gia thanh hiện thái.
Tạm dịch:
Đất sinh tài nghiệp đời sáng lạng.
Nhà ban phúc, nhà tiếng tốt tươi. (9)
Tục ngữ có câu “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi vẻ”. Qua câu đối Tết người Việt để bày tỏ tâm tình, ưu tư chuyện nước, chuyện nhà, hay cộng đồng làng xóm, nó phong phú đa dạng và phóng khoáng, chẳng rập khuôn theo một quan niệm nào cho người chơi câu đối Tết, treo trong nhà, trước để răn mình, sau răn dạy vợ con trong nhà, rồi mới đến họ hàng suy ngẫm, khách khứa đến bàn luận. Như Trần Tế Xương nói: “ Viết bằng chữ dán ngay lên cột, hỏi mẹ mầy rằng dốt hay hay ?” Ngày nay do kỹ thuật vi tính hiện đại, câu đối Tết được gởi lên trên mạng, đựơc nhiều người thưởng lãm, đối lại chan chát, rôm rã còn hơn pháo Tết ngày xưa. Năm 2000 ( Canh Thìn ) Cụ Hà Sỹ Phu ra một vế đối “ Trời đã sang Canh đừng vị kỷ” đưa lên trang website của ông, liền sau đó có hằng mấy chục câu đáp lại, mỗi câu một ý tứ riêng biệt, câu nào cũng hay, ý nào cũng chỉnh như “ Nước còn chẳng quý ích chi tân” ( Mỹ Lan ) hoặc “Đất tầm tri kỷ mở canh tân” v.v. (10).
Người tha hương hướng về đất tổ, gởi về quê nhà qua câu :
Viết câu đối mừng xuân, gói hết chân thành chuyển cả tình Xuân về đất tổ
Chép vần thơ đón Tết, trọn niềm tha thiết, gom bao nỗi nhớ gởi quê nhà (11)
Những kẻ sĩ ngày xưa lúc còn hàn vi, khi Tết đến, dù nợ nần như Chúa Chổm nhưng cũng làm ra vẻ phong lưu :
Chiều ba mươi nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra khỏi cửa
Sáng mồng một rượu say túy lý, giơ tay bồng ông phúc vào nhà. (12)
Thân đã thế, nhưng còn viết đối để đả kích thiên hạ, về nhân tình thế thái, túi đã rỗng, nợ đầm đìa, Tết đến cũng tranh nhau mua pháo đốt, mua vôi về quét tường:
Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo
Nhân tình trắng thế lại bôi vôi (13
)
Hay:
Thiên hạ dại vô cùng pháo nổ đì đùng thêm mất chó
Ông này khôn bất trị, rượu say túy lý lại nằm mèo (14 )
Không cần phải đợi đến ngày Tết thì mới có câu đối, người Việt xưa viết câu đối trong mọi hoàn cảnh, bởi vì câu đối là thể lọai văn chương súc tích ngắn gọn, nghiêm chỉnh tài hoa , sắc bén, là một nghệ thuật chơi chữ rất tuyệt vời. Vì thế Cơ đốc nhân cũng có thể vận dụng thế mạnh văn chương đó để truyền tải Tin lành
Mỗi năm đến mùa Giáng sinh, ai ai trong chúng ta đều nhớ câu Kinh Thánh:
Sáng danh Chúa trên từng trời rất cao,
Bình an dưới đất, ân trạch cho loài người ( Luca 2
:14 )
Đây là một câu đối về ý, nhưng chưa hoàn chỉnh về từ ngữ theo thuật câu đối. Tôi mạnh dạn đánh bóng một vài chữ, vẫn giữ nguyên ý nghĩa, nhưng trở thành hai vế đối hoàn chỉnh:
Sáng danh Thiên Chúa, vang trời đất,
Bình an nhân loại, khắp năm châu.
Chúng ta có thể viết chữ lớn , hoặc cắt chữ hình tròn, theo hàng dọc treo ở cổng chào, hoặc nơi trang trọng để trang trí trong dịp Lễ Noel.
Trong Kinh Thánh rất nhiều câu đối đáp rất hay, nếu ai có khả năng văn chương, thi phú có thể diễn ý thành câu đối được. Như vậy Phúc âm dần dà đi vào lòng dân tộc Việt, mà câu đối trên là ví dụ cụ thể.
Năm nay Hội Thánh chúng tôi đón xuân Đinh hợi , trong giảng đường trình bày hai vế đối song song :
TÂM NIỆM LỘC THẦN PHƯỚC HẠNH ĐẦY ƠN XUÂN BẤT TẬN
THỰC HÀNH LỜI THÁNH, AN BÌNH THUẬN Ý TẾT VÔ BIÊN.
Với tinh thần hội nhập văn hóa, Cơ đốc nhân có thể dùng câu đối để chuyển tải Lời Chúa, làm sứ điệp cho năm mới. Vui Xuân đón Tết, nhưng dùng lời Ngài để nhắc nhở kẻ xa quê hương :
Hương vị trời Xuân, đậm đà tình dâng Chúa
Dư âm đất Việt, thắm thiết nghĩa ơn Cha.(15)
Ngày Tết dùng mực tàu, viết trên giấy đỏ, một câu đối ca ngợi Đấng sáng tạo, vinh danh Thiên Chúa, cảm tạ ơn Thánh đức của Ngài bao gồm trong câu:
Tình Chúa tựa ánh Xuân, nhân nghĩa ấm nồng che trời đất,
Ơn trên như mưa móc, đức cao loan tỏa phủ thế nhân. (16)
Hoặc chúc phúc, chúc thọ cho mọi người:
Tết đến đầu năm ơn Chúa viếng,
Xuân qua mãn thọ phúc con trông (17)
Xuân về tết đến mọi người nô nức, mua sắm những vật dụng cần thiết cho ngày tết, nào quần áo mới, nào là :“ Mứt gừng bánh hỏi ra tay chế. Bánh tét, dưa hành vỗ bụng xôi” Nhân dịp nầy nhà nhà ta loan báo Tin mừng năm thi ân của Chúa:
Xuân mới chan hòa trên đất nước
Tin mừng loan báo đến muôn dân (18)
Câu đối tuy ngắn gọn, nhưng ý nghĩa rất là rộng lớn. Tôi nghĩ những câu đối hay, có thể in trên giấy Hoa tiên, gởi vào các nơi phát hành văn hóa phẩm Cơ đốc, đi chợ Tết nhớ ghé qua gian hàng, ai cũng có thể chọn một vài câu, trước để trang trí nhà cửa, dán lên vách, nhâm nhi tách trà để thưởng thức cái hay cái đẹp của nó. Ngày xuân khách đến các văn nhân thi hữu trong Cơ Đốc dựa vào Kinh Thánh ra nhiều vế mời đối, thách đối, khiến nhiều người suy nghĩ tìm tòi điển cố , sự tích trong Phúc âm mà trao đổi, đó cũng là cách học Kinh Thánh hữu hiệu và dễ nhớ. Thí dụ như câu đối sau ra vế đối Nôm, đối lại bằng câu chữ Hán, bao hàm nhiều ý tứ, để rao giảng Tin lành :
Thiên Chúa Ba Ngôi, Đẹp Ý Chúa, Tết Trong Lòng Dân tộc ( ra đối Nôm)
Địa Đàng Duy Nhất, Diễn Phúc Âm, Xuân Vô Lượng Hải Hà ( đối lại chữ Hán) (19
)
Ngày nay do cuộc sống bắt nhịp theo trào lưu hiện đại, mọi người đều bận rộn, ngược xuôi trong công việc. Vì thế nhiều gia đình không để ý đến những thuần phong mỹ tục rất hay trong ngày Tết. Trong đó Thú Chơi Câu ĐốiTết không thể nào thiếu trong mọi nhà. Câu Đối Tết đã góp một phần tạo ra một phong thái đặc thù cho dân tộc Việt về Ngày Đầu Năm tức là ngày Tết Nguyên Đán. Nhờ câu đối Tết đã tạo ra vẻ đẹp văn hóa, một dáng Xuân riêng biệt cho ngày đầu năm. Thú chơi câu đối ngày Tết thật là là một thú chơi thanh cao tao nhã. Nếu ngày Tết thiếu câu đối đỏ, người bình dân đã thấy trống vắng trong nhà một cái gì, huống hồ những người biết chút đỉnh chữ nghĩa! Câu đối Tết Việt Nam tạo cho mỗi nhà mỗi vẻ, gởi gấm trọn tâm tình mình trong đó, không giống như Trung Hoa, nhà nhà đều treo ngược Chữ Phúc trước cửa (20). Ngày Tết dân ta không chỉ đoàn tụ gia đình, quây quần bên bếp lửa hồng nghi ngút khói; trong đó có bánh tét, bánh chưng đang sôi sùng sục. Dịp Tết còn ngồi ôn lại những kỷ niệm xa xưa, hoặc truyền thống tốt đẹp của gia đình. Người lớn tuổi kể chuyện cổ tích, hay giải nghĩa một vài câu đối Tết, để cho con cháu hiểu thêm về thú chơi câu đối Tết xưa và nay.
Trong không khí tưng bừng vui đón Xuân, người tín hữu Cơ đốc cũng ăn tết bình thường như mọi người, cũng hòa nhập trong cộng đồng. Không phải vì khác tín ngưỡng và thờ phượng Chúa thì không có câu đối Tết. Câu đối không những mang lại cho vẻ đẹp của ngày Xuân, tỏ bày tình yêu kính Đấng sáng tạo, Đấng chúng ta đang thờ phượng. Đồng thời, mượn văn câu đối Tết, dùng chữ kén chọn, lựa lọc và cân nhắc, trau dồi ý tứ sâu xa, dồi dào thâm thúy trong Kinh Thánh, để viết lên câu đối Xuân, nghe gần gũi như câu phương ngôn, ngạn ngữ, để rao truyền Phúc âm đến cho mọi từng lớp dân chúng.
Để kết thúc bài nầy, nhân dịp đầu xuân Mậu Tý 2008, trong niềm vui hân hoan của con cái Chúa chào đón một mùa Xuân Mới, mùa xuân hội nhập cùng nền văn hóa Việt và xuân vĩnh cữu hằng có trong Chúa, tôi xin tặng câu đối sau :
-Tết đến, ra Chứng Đạo rao truyền Tân ước, Cha độ lượng khép lại Đông tàn, Cứu rỗi linh hồn trong bốn biển.
- Xuân về, vào Nhóm Nhỏ học lời Kinh Thánh, Chúa nhân từ mở ra Xuân mới, Yêu thương nhân loại khắp năm châu.
Mong các nhà truyền giáo, những văn thi hữu và người có tâm huyết trong việc truyền bá Phúc âm sưu tầm và sáng tác nhiều câu đối hay, để chứng đạo và lưu truyền muôn thuở.
( Viết vào ngày đầu Xuân Mậu Tý2008 )


Chú Thích:
(1) Nơi xoắn thắt lại, điểm mọc nhánh của cây tre
(2 ) Thơ Vũ Đình Liên.
(3) Nguyễn, Bá Hoàn . Căn Bản Nghệ Thuật Thư Pháp ; Trang 48, Thuận Hóa, 2001
(4).Tạp Chí Xưa và Nay Số 24, “Tết Nguyên Đán Xưa” ;trang 12
(5) Nguyễn, văn Ngọc.Thú Chơi Câu Đối; Văn hóa thông tin, 2001
(6) Dương, Quảng Hàm . Văn Học Việt Nam ; Trang 63-64, Đông pháp Học chánh- H. N. ,1939
(7) Câu đối của Lương Vĩnh Thành, Giai Phẩm Sông Thu, 2001
(Cool Lương Vĩnh Thành Sđd,
(9) Câu Đối Tết, Toan Ánh, tạp chí xưa và nay,2001
(10) Câu Đối năm canh Thìn _http:// hasiphu.com.
(11) Lương Vĩnh Thành, Sđd
(12) Câu Đối của Nguyễn công Trứ
(13) Câu Đối của Trần Tế Xương
(14) Câu Đối của Nguyễn Khuyến
(15) Câu Đối của Sơn Trà_
(16) (17) (18) câu đối của Huỳnh văn Trụ.
(19) Câu Đối của Sơn Trà
(20) Phong tục Tết Trung quốc treo chữ Phúc lộn ngược ( Phúc đảo ) đồng âm với Phúc đáo có nghĩa là cầu phước đến.
---------------------------
Sách tham khảo:
Dương, Quảng Hàm . Văn Học Việt Nam ; Đông pháp Học chánh- Hà nội ,1939 .
Kinh Thánh ( bản dịch mới ) ;Arms of Hope, 2002.
Lê,Trung Hoa . Thú Chơi Chữ ; Trẻ 1995 .
Ngô, Thị Kim Liên . Chiến Lược Cho Một Bài Viết Hiệu Quả ; Union College of California 2006.
Nguyễn, Bá Hoàn. Căn Bản Nghệ Thuật Thư Phá ; Thuận Hóa, 2001.
Nguyễn, Thanh Sơn. Sổ Tay Thư Pháp; Văn nghệ Tp HCM, 2005.
Nguyễn, Bá Hoàn. Căn Bản Nghệ Thuật Thư Pháp; Thuận Hóa, 2001.
Nguyễn, văn Ngọc.Thú Chơi Câu Đối; Văn hóa thông tin, 2001.
Tân Việt . 100 Điều Nên Biết Về Phong Tục Việt Nam. Văn Hóa Dân Tộc, 1994.
Viện Thần Học Tin Lành Việt Nam . Phương Pháp Viết Khảo Luận ; Union College of California ,2006 .
Tạp Chí:
Đặc San Hướng Đi số 6, 2003 . MS Pham Ngọc,“ Những câu đối khó đáp” ; 9,10.
Giai Phẩm Sông Thu 2004, 2007. “Câu Đối Lương Vĩnh Thành” ; Hội ái hữu đồng hương Quảng nam Đà nẵng tại Georgia, Trang đầu .
Tạp Chí Xưa và Nay Số 24, 84. 85, ” Tết Nguyên Đán Xưa” ; 12 .
_____Số Đặc Biệt Xuân Tân Tỵ (2001) . “ Câu Đối Tết“
Internet sites:
_ “ Câu Đối Xuân Đinh Hợi” Hà sỹ Phu, Http:// hasiphu.com.
_ “ Phong Tục Tết Nguyên Đán” Toan Anh, htpt:// honque./ind
_. “ Câu Đối Xuân” Huynh van Tru, http:// nguoitinhuu.com

Ngày Xuân nói về Câu Đối TẾT

Ngày Xuân nói về Câu Đối TẾT



Thú chơi câu đối, không phải đợi đến ngày Tết mới viết. Vì nó không là một bài văn riêng như Thơ, Phú, Văn bia, Văn tế.. Câu đối hay bởi vì tính từng chữ, tuy nó vụn vặt. đơn giản, nhưng mà công dụng của câu đối thành rất to. Đúng vậy, bất cứ một dịp nào cũng có thể làm đối đựợc. Dịp vui có câu đối mừng, dịp buồn có câu đối viếng. Câu đối mừng thọ, lên lão. Câu đối mừng cháu mới sanh, thôi nôi, thi đỗ. Câu đối mừng nhà mới, thăng quan tiến chức. Người Việt đến khi qua đời cũng viết vài câu đối để tiễn người quá cố. Câu đối quả là phong phú, bởi vì nó ngắn gọn, đối chọi nhau, trắc đối với bằng, danh từ đối với danh từ, động từ đối với động từ, hình dung từ phải đối với hình dung từ, phó từ đối với phó từ. Về màu sắc phải tương phản, ý nghĩa phải minh bạch, tư tưởng phải tự nhiên, câu chữ phải mạch lạc, âm hưởng phải sắc lẹm, giòn tan, nghĩa là khi đọc lên chan chát, nghe như tiếng kêu sang sảng.

Vì thế câu đối rất có hiệu quả, nhất là ngày Tết, ngày xuân nhàn rỗi,nhiều người thăm viếng, qua lại chúc tụng nhau. Bên khay trà, có bánh mứt, dưới bếp có sẵn những thức ăn nguội như bánh chưng bánh tét, cả nhà đều vui xuân, phụ nữ không phải lo nấu nướng, có thể quay quần nghe bình câu đối Tết:

Tôn Vinh Thiên Chúa Ba Ngôi, Đất Đẹp Người Xinh: Trời Vinh Hiển.

Suy Niệm Thánh Kinh Hai Quyển Lòng Vui, Tâm Tịnh: Chúa Cao Sang.

Như vậy sẽ có người hỏi: “ Thế nào là Thiên Chúa ba ngôi ?” Nhờ đó mà người Cơ đốc có thể nói về giáo lý huyền nhiệm của ba ngôi hiệp một. Tùy theo trình độ của người nghe mà giải thích cho họ thấu hiểu. Rồi con người phải thực hiện nếp sống đạo “ kính Chúa yêu người” như thế nào để làm vinh hiển danh Chúa để cho “đất đẹp, người xinh.,Trời vinh hiển” Cũng có thể có người thắc mắc là tại sao Thánh kinh có 2 quyển ? như vậy người giải thích có dịp nói về Cựu Ước và Tân ước, nói vê hai thời kỳ cứu chuộc: Luật pháp và Ân điển. vân vân..

Đôi khi chỉ mượn về quy luật thiên nhiên do Chúa sáng tạo ( Sáng 1) để viết câu đối Xuân:

Trời đất giao hòa Xuân ấm áp

Vợ chồng hạnh phúc Tết yên vui.

Hoặc viết trên giấy hồng điều dán tại nơi đi nhóm nhân ngày Tết Nguyên đán:

Hội hiệp giữa tình thương, hân hoan mừng Tết đến

Thánh kinh lòng yêu mến, phấn khởi đón Xuân vào.

Hay

Tâm niệm lộc thần, phước hạnh đầy ơn Xuân bất tận

Thức hành lời thánh, an bình thuận ý Tết vô biên.

Chứng đạo cho muôn dân đó là trách nhiệm chung của mỗi Cơ đốc nhân. Bởi “Tin lành nầy về nước Đức Chúa Trời, được giảng ra khắp đất , dể làm chứng cho muôn dân, bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến” (Ma-thi-ơ 24:14) Nhân dịp ngày Tết, đi thăm viếng, đồng thời trong dịp tiện nầy có thể làm chứng, rao truyền Phúc âm cho những người chưa biết Chúa. Câu đối sau nhắc nhở chúng ta:

Tết đến,ra chứng đạo rao truyền Tân ước, Cha độ lượng khép lại đông tàn, cứu rỗi linh hồn trong bốn biển.

Xuân về,vào nhóm nhỏ học lời Kinh Thánh, Chúa nhân từ mở ra Xuân mới, yêu thương nhân loại khắp năm châu.

Tối ba mươi khép lại nan đề, đưa bóng tối ma vương chìm vào dĩ vãng

Sáng mồng một mở ra cửa phúc, đón ánh sáng Phúc âm tràn ngập tương lai

Nhân dịp xuân về người Cơ đốc viết lên vài câu đối tết, vừa thể hiện nét hội nhập văn hóa, vừa có cớ để nói chuyện Phúc âm. Như vậy Phúc âm đựợc trưng bày phô diễn cái hay cái đẹp ngay giữa hội chúng, trang hoàng vẻ đẹp lộng lẫy giữa nhà, trang trọng và kỉnh kiền, biết đâu nhờ đó mà nhiều linh hồn đựợc cứu.


Viết vào đầu xuân Canh Dần ( 2010)

Hiếu Đức

Câu đối Tết Việt Nam

Những Câu đối Tết Hay

Chơi câu đối trong ngày tết là nét văn hóa truyền thống của người Việt. Xin giới thiệu với quý độc giả một số câu đối hay

“Thiên tăng tuế nguyệt, niên tăng thọ
Xuân mãn càng khôn, phúc mãn đường”

(Trời thêm tuổi mới, năm thêm thọ
Xuân khắp càn khôn, phúc khắp nhà)

“Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo Ma vương đưa quỷ tới,

Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước Xuân vào”

(Hồ Xuân Hương)

“Chiều ba mươi nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa,

Sáng mồng một rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà"

(Nguyễn Công Trứ)

“Tối ba mươi, giơ cẳng đụng cây nêu
Ủa ! Tết !

Sáng mồng một, lắng tai nghe lời chúc
Ồ ! Xuân !” ()


“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” ()

- Phước thâm tự hải (hạnh phúc nhiều sâu như biển)
- Lộc cao như sơn (của cải nhiều cao như núi)

Có là bao, ba vạn sáu ngàn ngày, được trăm cái Tết
Ước gì nhỉ, một năm mười hai tháng, cả bốn mùa Xuân. ()

Tuế hữu tứ thời xuân tại thủ
Nhân bách hạnh hiếu vi tiên.

(Năm có bốn mùa, mở đầu bằng mùa Xuân;
Người ta có trăm tính nhưng tính hiếu thảo là cần trước hết.)

Xuân tha hương, nhấp giọt rượu sầu, nhớ vòm trời đất nước !
Tết xứ người, hớp ngụm cafe đắng, thương mảnh đất quê nhà !
(Quảng Ngôn)

Tân niên hạnh phúc bình an tiến
Xuân nhật vinh hoa phú quý lai

Nghĩa là:
Năm mới hạnh phúc bình an đến
Ngày Xuân vinh hoa phú quý về.

Ðuột trời ngất một cây nêu, tối ba mươi ri là Tết
Vang đất đùng ba tiếng pháo, rạng ngày mồng một rứa cũng Xuân
(Nguyễn Công Trứ)

Ðấp gốc cây cao, Tết đến thắp hương thơm đèn sáng,
Khơi nguồn nước mát, Xuân về dâng trái ngọt hoa thơm.

Tối ba mươi, nợ réo tít mù, ấy mới Tết,
Sáng mồng một, rượi tràn quí tị, ái chà Xuân.

Tết có cóc gì đâu, uống một vài be củ tỏi,
Nợ đâm ương ra đó, nói ba bốn chuyện cà riềng.
(Nguyễn Công Trứ)

Ba vạn sáu ngàn ngày, góp lại chốc đà trăm bận Tết,
Một năm muời hai tháng, ước chi đủ cả bốn mùa Xuân.

Nực cười thay! Nêu không, pháo không, vôi bột cũng không, mà Tết,
Thôi cũng được! Rượu có, nem có, bánh chưng đều có, thừa Xuân.
(Tú Xương)

Ủa! Tết đến rồi đó, chẳng lẽ trơ cùi cùng tuế nguyệt,
Kìa! Xuân sang đấy ư, thôi đành mở múi với giang sơn.

Ngào ngạt mùi hương, dẫu tại đất người, không mất gốc,
Lung linh ánh lữa, dù xa quê cũ, chẳng quên nguồn.

Xuân vẫn còn dài, hướng đến tương lai vùng đất mới,
Tết dù đã ngắn, quay nhìn dĩ vãng cảnh người xưa.

Già trẻ gái trai đều khoái Tết,
Cỏ cây hoa lá cũng mừng Xuân.

Chúng nó dại vô cùng, pháo nổ đì đùng thêm mất chó,
Ông đây khôn bất trị, rượu say túy lúy lại nằm mèo
(Nguyễn Khuyến)

Đêm 30 nghe tiếng pháo nổ... Đùng !... ờ ờ... Tết
Sáng mùng 1 ra chạm niêu đánh... Cộc !... á à... Xuân

Xuân tha hương, sầu thương về quê mẹ
Tết xa nhà, buồn bã nhớ quê cha

Tết với chả xuân, sáng mì gói tối mì gói, sợ vợ buồn ngán mà không bỏ nuốt vội để mà no
Dậu rồi thì Tuất, xưa kéo cày nay kéo cày, lo chủ đuổi mệt chẳng dám ngưng làm nhanh không mất việc.

Số lông vịt xác xơ, tiền chỉ mấy xu, sắm nào được gì, nên không mong tết
Đời ve chai tan nát, tuổi đà dăm bó, cho có ai thèm, mới chẳng tiếc xuân.

Đêm ba mươi, đếm tờ lịch, ba mươi tờ buồn xa tháng cũ
Sáng mồng một, ngắm cành mai, đơn một cành vui đón năm mới.

Khoai lang sùng nhúng bột… chiên, đậm đà vị mứt mốc, thẫn thờ tưởng nhớ tết quê cha
Hột mít sượng lùi tro… nướng, thoang thoảng mùi chè thiu, đờ đẫn mơ màng xuân đất mẹ.

Tết tha hương có bánh chưng, bánh tét sao không thấy tết
Xuân viễn xứ cũng cành đào, cành mai mà chẳng gặp xuân.

Trời thêm tuổi mới, người thêm thọ
Xuân khắp mọi nơi, phúc khắp nhà

Niên hữu tứ thời, xuân vi thủ
Nhân sinh bách hạnh, hiếu vi tiên

Những điều làm thay đổi

HOW THINGS HAVE CHANGED!!!!